Trang chủ Thâm cung bí sử Tại sao Chu Đệ mới 10 tuổi, Chu Nguyên Chương đã vội phong làm Yến Vương, trấn giữ Bắc Bình?

Tại sao Chu Đệ mới 10 tuổi, Chu Nguyên Chương đã vội phong làm Yến Vương, trấn giữ Bắc Bình?

bởi Admin
0 Lượt xem

Năm 1370, Chu Nguyên Chương tiến hành phân chia lãnh địa, ban ngôi vị phiên vương cho các hoàng tử. Chu Nguyên Chương đặt ra quy định, các thân vương trên mỗi phiên đất phong không được phép can dự vào vấn đề quản lý dân sự địa phương, họ đứng trên tư cách là đại diện cho quyền lực quân sự của hoàng đế tại từng địa phương, là người giám sát quân đội phòng vệ, nắm trong tay quyền chỉ huy quân sự tại mỗi địa phương.

Trong quá trình phân đất phong vương, Chu Nguyên Chương đặc biệt có chủ ý phong Chu Đệ làm Yến Vương, đất phong là nơi địa thế trọng yếu Bắc Bình (nay là Bắc Kinh) – vốn đóng vai trò như tấm khiên ngăn chặn sự xâm lược của người Mông Cổ, hiển nhiên có thể thấy rằng người được giao phó trấn giữ một miền đất quan trọng như vậy nhất định phải là người có năng lực đảm nhiệm tương xứng với trọng trách lớn lao đó.

img

Minh Thành Tổ Chu Đệ. Ảnh minh hoạ.

Dưới góc độ đánh giá của Chu Nguyên Chương, Chu Đệ chính là một người như vậy, mặc dù vào thời điểm đó ông mới chỉ 10 tuổi.

Bên cạnh đó, Chu Nguyên Chương sau khi biết được Trưởng nữ của đệ nhất công thần khai quốc – Đại tướng Từ Đạt là người “Trinh tĩnh tiết hạnh, có học vấn cao“, đã tiến hành ban hôn cho Chu Đệ vào năm 1376, phong bà làm Yến Vương phi, đây chính là hoàng hậu Nhân Hiếu Từ tài đức vẹn toàn sau này, cũng là người vợ hiền kề cận hỗ trợ Chu Đệ đoạt ngôi thiên tử, cai trị thiên hạ.

Một mối quan hệ thông gia, một mối liên hôn được an bài bao chứa nhiều hàm ý tâm nguyện chính trị như vậy, không hề được đặt trên vai các hoàng tử khác, điều này đủ để chứng minh vị thế của Chu Đệ trong tâm trí Chu Nguyên Chương quan trọng đến nhường nào.

Vào thời điểm đó, Từ Đạt đang đảm đương trọng trách trấn giữ phương Bắc, ông cũng thường xuyên giảng giải kinh nghiệm chiến đấu, truyền đạt nhiều sách lược binh pháp cho Chu Đệ, đơn cử như Từ Đạt từng nói với Chu Đệ rằng “Để làm tướng soái, thứ nhất phải biết chỉ huy tác chiến, thứ hai cần biết tận dụng khoảng cách thời gian giữa các đợt tác chiến để chỉnh đốn khôi phục lực lượng quân đội, chiến lược này được gọi là nghỉ ngơi dưỡng sức, để có thể hoàn thành mục tiêu một cách dễ dàng như bẻ cành khô, như đẽo gỗ mục”.

Chu Đệ tất nhiên đã thu nạp được rất nhiều lợi ích qua các bài học quý báu đó. Quả thật không thể phủ nhận rằng đây là sự sắp đặt có chủ đích của Chu Nguyên Chương.

img

Minh Thành Tổ Chu Đệ.

Vào năm Hồng Vũ thứ 11 (năm 1378), Chu Nguyên Chương ban bố chỉ thị định lại kiểu dáng kiến trúc cung điện cho các phiên vương, tuyên bố rằng ngoại trừ Yến Vương có thể sử dụng kiểu mẫu cung điện cũ của nhà Nguyên trước đây, các phiên vương khác không được phép xây dựng cung điện theo khuôn mẫu đó.

Sở dĩ ông đưa ra chỉ lệnh này là bởi vì cấu trúc quy mô của cung điện nhà Nguyên trước đây cũng giống như thiên tử. Không khó để nhận ra rằng vào thời điểm đó Chu Nguyên Chương đã phó thác, đã gửi gắm trên vai Chu Đệ niềm tin tưởng và sự kỳ vọng lớn lao như thế nào.

Thêm một điểm nữa càng chứng minh rõ điều này chính là người anh trai thứ hai và thứ ba của Yến Vương được phong đến các phiên Tây An và Thái Nguyên, trong khi Chu Đệ vào hai năm trước, sớm đã được Chu Nguyên Chương giao phó quyền lực tại vùng đất có địa thế hiểm yếu, nơi vốn là thủ phủ triều Nguyên.

img

Minh Thành Tổ mang khí thế hào hùng dời đô về Bắc Kinh

Mang khí thế hào hùng tiến thẳng đến Bắc Bình đóng trụ sở

Theo “Sử ký nhà Minh” ghi chép lại, Chu Đệ sau khi trưởng thành có “tướng mạo kỳ vĩ, ria mép và râu quai nón mỹ lệ”. Vào tháng 3 năm 1380, Chu Đệ mang khí thế hào hùng, anh dũng tiến thẳng đến Bắc Bình đóng trụ sở, nhằm ngăn chặn những trận đột kích quấy nhiễu từ phía Mông Cổ.

Bởi vì Bắc Bình vốn là tấm khiên phòng thủ đảm nhiệm trọng trách kiểm soát khống chế sự gây rối của Mông Cổ, nên Chu Nguyên Chương đã điều động đến đây một lực lượng quân đội lớn hơn nhiều so với biên chế phân bổ cho các hoàng thân khác, bên cạnh đó ngoại trừ những vấn đề hệ trọng cần trình tấu bẩm báo, ông cho phép Chu Đệ có thể tự đưa ra quyết định xử lý những việc nhỏ trong quân đội, điều này càng góp phần gia tăng quyền uy sức mạnh cho Chu Đệ.

Sau này qua nhiều lần phụng mệnh tham gia các hoạt động quân sự ở phương bắc, Chu Đệ ngày càng hiển lộ được tài năng quân sự kiệt xuất của mình. Ông từng đích thân chỉ huy thực hiện hai lần Bắc phạt, điều này giúp ông củng cố quyền lực và gia tăng sức ảnh hưởng của mình trong quân đội phương Bắc, đồng thời nhận được nhiều lời khen ngợi tán thưởng của Chu Nguyên Chương.

Ví dụ vào năm 1390, Chu Nguyên Chương hạ lệnh cho các phiên vương đang đóng trụ sở tại phương Bắc tiến hành xuất quân viễn chinh thảo phạt Mông Cổ, trong khi các phiên vương khác hoàn toàn không có sự chuẩn bị chu đáo tỉ mỉ đã lập tức xuất binh nghênh chiến, dẫn đến hậu quả đều thất bại trở về.

Riêng chỉ có Yến Vương Chu Đệ không giống như những người khác, ông căn cứ theo sách lược binh pháp ‘nghỉ ngơi dưỡng sức’, đưa ra hết thảy những vấn đề khó khăn phải đối mặt trong quá trình xuất binh lâm trận truyền đạt từng nội dung, từng ý niệm một cách rõ ràng cụ thể cho các tướng sĩ, đồng thời kêu gọi các tướng sĩ thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tiến hành các bài diễn tập nhằm ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.

Vài ngày sau, Chu Đệ đích thân đến thao trường kiểm tra, phần lớn các tướng sĩ đều được trang bị kỹ thuật thuần thục, sách lược và phương pháp tác chiến linh hoạt, Chu Đệ liền lập tức tán dương khen thưởng động viên họ.

Các tướng lĩnh đề xuất nguyện vọng mong được nhanh chóng xuất chinh, song Chu Đệ lại không đồng ý mà nói rằng: Chúng ta đợi thêm mấy ngày nữa cũng không muộn.

Nhận thấy các tướng sĩ chưa thật sự lý giải được nguyên nhân, Chu Đệ giải thích thêm: “Quân binh qua nhiều ngày liên tiếp diễn tập thao luyện cũng đã mệt mỏi kiệt sức rồi, nghỉ ngơi một vài ngày, việc chỉnh đốn dưỡng sức là không thể thiếu, điều này được gọi là ngồi mài đao cũng không làm mất kỹ thuật đốn củi”.

Hai ngày sau, đột nhiên xuất hiện một trận tuyết lớn, Chu Đệ hạ lệnh xuất chinh, bởi vì quân địch sẽ không thể tiên liệu được rằng vào thời tiết khắc nghiệt như vậy quân Minh lại phát binh nghênh chiến.

Quân đội của Yến Vương nhận lệnh lập tức khởi hành với sĩ khí vang dội, với binh lực, tinh thần, lương thực được trang bị đầy đủ, thẳng tiến đến đại bản doanh Mông Cổ, dàn trận bao vây truy quét, quân đội Mông Cổ hoảng loạn ứng chiến, thương vong vô số, đại tướng Mông Cổ bị bắt sống, thái úy Mông Cổ Nãi Nhi Bất Hoa đầu hàng, Yến Vương chiến thắng trở về.

Chu Nguyên Chương sau khi nhận được tin chiến thắng, liền khen ngợi: “Yến Vương thanh trừ Mạc Bắc, trẫm khỏi phải phiền não trông coi phòng thủ phương bắc”. Từ đó về sau, Chu Đệ nhận lệnh chỉ huy binh lực trấn giữ miền biên cương phía Bắc, đánh bại quân đội Mông Cổ, củng cố biên phòng.

Nguồn: Dân Việt

Bài viết liên quan