Trang chủ Thâm cung bí sử Hàn Tín là ân nhân của Lã Hậu, vì sao Lã Hậu quyết diệt trừ ân nhân?

Hàn Tín là ân nhân của Lã Hậu, vì sao Lã Hậu quyết diệt trừ ân nhân?

bởi Admin
0 Lượt xem

Sau khi Lưu Bang đăng cơ, các vị Vương khác họ được phong vào thời cùng Hạng Vũ tranh bá như Bành Việt, Anh Bố, Hàn Tín v.v. đều trở thành mối họa khiến ông ta ngày đêm lo lắng, tất muốn nhổ đi cho nhanh. Trong số những vị vương khác họ thì tài năng và danh tiếng của Hàn Tín là lớn nhất, càng khiến Lưu Bang đố kỵ không thể yên tâm, nhưng không biết cách hạ thủ ra sao, vợ của Lưu Bang Lã Hậu nhìn rõ tâm tư của ông ta, coi thường ông ta dám nghĩ mà không dám làm, liền rắp tâm làm thay.

Sau khi Hàn Tín bị giam lỏng, biết Lưu Bang kiêng dè công lao của mình, nên thường xuyên cáo bệnh không ra, hành sự thì khiêm cung nhẫn nhịn. Hàn Tín chỉ ở trong nhà chỉnh lý binh pháp, Lưu Bang thỉnh thoảng đến thăm.

img

Nỗi oan khuất của Hàn Tín – Ảnh: Internet.

Có một lần Lưu Bang hỏi Hàn Tín: “Người xem ta có thể chỉ huy bao nhiêu binh sĩ?” Hàn Tín thẳng thắn trả lời: “Nhiều nhất là 10 vạn”. Lưu Bang lại hỏi: “Thế còn bản thân nhà ngươi? có thể cầm bao nhiêu quân?” Hàn Tín trả lời: “Càng nhiều càng tốt”. Đây chính là khởi nguồn của thành ngữ “Hàn Tín điểm binh, càng nhiều càng tốt”. Lưu Bang nghe xong liền cười lớn, “Ngươi cầm binh càng nhiều càng tốt, sao lại phải làm thần tử của ta?” Hàn Tín bình tĩnh trả lời: “Bệ hạ tuy không giỏi cầm quân, nhưng lại giỏi cầm tướng, cho nên thần là bề tôi của bệ hạ. Vị trí của Bệ hạ là do trời ban, hoàn toàn không phải là do sức người tranh đoạt được”.

Lời nói này của Hàn Tín là muốn nói với Lưu Bang, tuy tài năng của ông cao hơn Lưu Bang nhưng hoàn toàn không phải vì thế mà trong lòng có ý làm phản, nhòm ngó ngôi vị. 

Tuy là như vậy, Lưu Bang vẫn không muốn buông tha cho ông. Ông ta e dè Hàn Tín công lao cái thế, hành vi đoan chính, nếu xứ trí vội vàng sẽ khiến quần thần chán nản, thiên hạ bất mãn. Huống chi hồi đầu Hàn Tín công lao cao ngất, ông ta đã từng đáp ứng với Hàn Tín “tam bất sát”, chính là “thấy trời không giết, thấy đất không giết, thấy sắt không giết”.

Ông ta muốn giết Hàn Tín, lại không muốn lưu tiếng xấu “lấy oán báo ân”, “vong ân bội nghĩa”, cứ mãi khổ sở vì không có kế nào vẹn toàn cả đôi. Vợ của Lưu Bang Lã Hậu nhìn rõ tâm tư của ông ta, coi thường ông ta dám nghĩ mà không dám làm, liền rắp tâm làm thay.

Lã Hậu, tên là Trĩ, là người cố chấp, thâm hiểm độc ác. Thời con trẻ cả gia đình vì trốn tránh kẻ thù mà dời đến huyện Bái. Phụ thân của bà là Lã Công thấy Lưu Bang tướng mạo hơn người, bèn đem Lã Trĩ gả cho Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị thua Hạng Vũ ở Bành Thành, trong lúc loạn lạc đã bị thất tán gia đình. Lã Hậu và cha mẹ của Lưu Bang bị quân Hạng Vũ bắt làm tù binh, trở thành con tin. Mãi cho đến khi Hàn Tín chiếm được nước Tề, công chiếm được kho lương của quân Sở, Hạng Vũ bị ép phải nghị hòa ở Hồng Câu, phóng thích người nhà của Lưu Bang, Lã Hậu mới được kết thúc cuộc sống con tin, trở về bên cạnh Lưu Bang.

Nói như vậy thì Hàn Tín là ân nhân của Lã Hậu. Có điều bà ta không nghĩ đến chuyện đó. Không lâu sau, khai quốc công thần Trần Hy tự xưng Vương nước Đại, liên hợp Hàn Vương Tín, Yên Vương Quán khởi binh làm loạn. Lưu Bang thân chinh dẫn quân bắc phạt, Lã Hậu và Tiêu Hà bảo vệ kinh đô Trường An.

img

Lã Hậu trên màn ảnh

Lã Hậu biết thời cơ đã tới, liền mua chuộc môn đồ của Hàn Tín là Loan Thuyết, phong cho ông ta là Thận Dương hầu, để ông ta vu cáo Hàn Tín “mưu phản”. Sau đó ép Tiêu Hà ra mặt, nói dối là Lưu Bang đã dẹp được phiến quân chiến thắng trở về, yêu cầu chư hầu và quần thần vào triều chúc mừng, dùng cách đó lừa Hàn Tín vào cung. Một Tiêu Hà tinh khôn hơn người lẽ nào không nhận ra chứng cứ trong tay Lã Hậu là không đáng tin, nhưng sợ thủ đoạn độc ác của bà ta nên không dám trái mệnh.

Tiêu Hà năm đó toàn lực tiến cử Hàn Tín làm đại tướng quân, thống lĩnh ba quân, có thể nói là tri âm của Hàn Tín. Do vậy Hàn Tín đối với Tiêu Hà nhất mực tôn kính và hết lòng tin tưởng. Tuy trong lòng ông không muốn tham dự buổi chầu này, nhưng nể mặt Tiêu Hà, cố gắng gượng đến Trường Lạc cung. Vừa mới tiến vào, võ sĩ đã mai phục sẵn nhất tề xông lên, vây chặt Hàn Tín. Hàn Tín khi đó biết là mình mắc bẫy vội kêu Tiêu Hà, nhưng ở đâu có bóng dáng của Tiêu Hà? Lã Hậu ngồi ở trên điện, nét mặt và giọng nói nghiêm trang, chỉ trích Hàn Tín có ý muốn hại bà và Thái tử, căn bản là không cho Hàn Tín cơ hội để giãi bày, rồi đưa ông vào nhà treo chuông trong cung Trường Lạc xử tội chết. Một đời danh tướng đã bị Lã Hậu tính kế giết hại như vậy.

Giết Hàn Tín rồi, Lã Hậu vẫn chưa muốn dừng tay, lại hạ lệnh diệt ba đời phụ mẫu và thê tử của Hàn Tín. Khi đó tháng giêng mùa đông giá rét, tuyết lớn mênh mông che phủ bầu trời, mấy ngàn người vô tội, máu nhuộm Trường An, âm thanh gào khóc đi kèm với tiếng gió rít của gió bắc lạnh thấu xương phiêu đãng khắp trên bầu trời Trường An.

Người dân khắp thành Trường An đều than khóc, không ai không cảm thấy bi thương. Mọi người đều nói Hoài Âm Hầu Hàn Tín đã lấy nghìn vàng để đền ơn bát cơm Phiếu mẫu, làm sao lại có thể phản bội lại Hoàng Đế đã nhường cơm xẻ áo năm đó? Nếu như thật sự có tâm mưu phản, lại có thể chỉ vì mấy câu của Tiêu Hà mà dễ dàng tiến cung chầu mừng? Nếu như Hàn Tín không có phản bội Hoàng Đế, là Hoàng Đế nhẫn tâm cô phụ tấm lòng trung của Hàn Tín, vậy thì cái chết của Hàn Tín chẳng phải là chết oan hay sao?

Lưu Bang bình định được Trần Hy xong quay về nghe thấy tin Hàn Tín chết rồi, không hỏi Lã Hậu vì sao giết Hàn Tín, cũng không trách vì sao không đợi ông ta về rồi hãy xử lý, chỉ hỏi Hàn Tín trước khi chết có nói gì không. Sử sách có ghi lại phản ứng của ông ta là “vừa vui mừng vừa thương xót”, một mặt là trừ được mối họa lớn trong lòng, mặt khác lại cảm thấy Hàn Tín thực sự rất đáng thương.

Nguồn: Dân Việt

Bài viết liên quan