Lịch sử hình thành của Tuyên Quang bắt đầu từ thời nhà Trần với tên gọi “Lộ Tuyên Quang”. Đến năm 1397, được đổi thành trấn Tuyên Quang. Dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1466, khi đất nước chia thành 12 đạo thừa tuyên, Tuyên Quang chính thức trở thành một thừa tuyên. Bước ngoặt quan trọng đến vào tháng 11/1831, khi vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính, thành lập tỉnh Tuyên Quang, đánh dấu sự hiện diện chính thức của địa danh này trong hệ thống hành chính phong kiến Việt Nam. Ngày 4/11/1831 được công nhận là Ngày thành lập tỉnh.
Ban đầu, địa giới tỉnh Tuyên Quang rộng lớn, bao gồm cả các huyện của các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang ngày nay. Sau nhiều lần điều chỉnh, năm 1976, Tuyên Quang sáp nhập với Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên. Tuy nhiên, đến năm 1991, tỉnh lại tách ra, tái lập tỉnh Tuyên Quang với 6 huyện và 1 thành phố, duy trì ổn định cho đến nay.
Tuyên Quang – Tỉnh từng 2 lần tách, nhập, cuối cùng vẫn lấy tên cũ
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang tự hào là “Thủ đô kháng chiến”, nơi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt đại bản doanh, lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Khu di tích Tân Trào (huyện Sơn Dương) trở thành biểu tượng của cách mạng, ghi dấu những sự kiện trọng đại như lễ xuất quân Nam tiến tại cây đa Tân Trào và Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào – tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Cục hàng không Việt Nam, tháng 6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng sân bay Lũng Cò thuộc thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, để vận chuyển quân sự của mặt trận Đồng Minh cho cách mạng Việt Nam. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, Tuyên Quang sở hữu 661 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 182 di tích cấp quốc gia và 271 di tích cấp tỉnh. Nổi bật là 3 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Tân Trào, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Kim Bình và danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình. Khu bảo tồn này có diện tích hơn 40.000ha, trải dài qua 14 xã, thị trấn, bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, nhiều loài động – thực vật quý hiếm và hệ thống hang động, thác nước kỳ thú dọc sông Gâm, sông Năng.
Tại trung tâm TP. Tuyên Quang, quảng trường Nguyễn Tất Thành bên dòng sông Lô lịch sử là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, được vinh danh là một trong 11 dự án đạt Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á (Asian Townscape Awards) năm 2022, khẳng định vị thế của Tuyên Quang trên bản đồ kiến trúc khu vực.
Tuyên Quang đang đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội với trọng tâm là nông – lâm nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và du lịch. Tỉnh tập trung cải cách hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020–2025) đã xác định 3 khâu đột phá, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, dựa trên nền tảng bảo tồn di sản và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Với những nỗ lực không ngừng, Tuyên Quang đang chuyển mình mạnh mẽ, từ mảnh đất cách mạng anh hùng trở thành điểm đến du lịch giàu bản sắc và một tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững của miền núi phía Bắc. Tuyên Quang đang chứng minh rằng, quá khứ hào hùng và tiềm năng to lớn có thể song hành, tạo nên một tương lai tươi sáng cho mảnh đất và con người nơi đây.