Hướng dẫn giải quyết cho cán bộ công chức viên chức có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi
Công ty Luật TNHH Youme cho hay, theo Mục 2 Hướng dẫn 01/HD-UBND năm 2025 quy định nguyên tắc đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và giải quyết chính sách, chế độ như sau:
– Tuân thủ các quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP, Nghị định 67/2025/NĐ-CP và Hướng dẫn 01/HD-UBND năm 2025.
– Gắn việc đánh giá với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy…
– Trên cơ sở số lượng người có đơn tự nguyện xin nghỉ được cấp có thẩm quyền đồng ý, từ kết quả đánh giá, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục xác định số lượng người cần xem xét tinh giản để đáp ứng tiêu chí giảm 25% số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Trung ương, đảm bảo nguyên tắc tinh giản những người có kết quả đánh giá thấp nhất từ dưới lên.
– Ngoài chỉ tiêu giảm 25% cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể căn cứ kết quả đánh giá tiếp tục sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
– Đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo; bằng cấp chuyên môn không đúng với yêu cầu vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, đánh giá để giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Chính sách cho cán bộ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh minh họa).
Theo Khoản 1.1 Mục 4 Hướng dẫn 01/HD-UBND năm 2025 quy định căn cứ vào số lượng người có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét đánh giá và giải quyết cụ thể từng trường hợp theo thứ tự ưu tiên như sau:
– Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có sức khỏe yếu, không đảm bảo yêu cầu công việc;
– Đối với cán bộ công chức viên chức, người lao động sau sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo; bằng cấp chuyên môn chưa đúng với yêu cầu vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn dưới 10 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
– Các tiêu chí khác (khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị cụ thể hóa):
+ Cán bộ công chức viên chức và người lao động có nguyện vọng thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi để chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống gia đình.
+ Các tiêu chí khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị tự xây dựng, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tiễn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Một cán bộ huyện nghỉ hưu trước tuổi, được đề nghị hưởng hơn 2,46 tỉ đồng
Mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết vừa có văn bản gửi Sở Tài chính về việc thẩm định, tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí giải quyết chính sách nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ (đợt 1).
Căn cứ hồ sơ của các cơ quan thuộc khối Nhà nước cùng Công văn số 4086-CV/BTCTU ngày 19.3.2025 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí cho 60 người nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc, với tổng số tiền hơn 75,4 tỉ đồng.
(Ảnh minh họa)
Trong đó, khối Đảng, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội có 34 người (gồm 32 công chức và 2 hợp đồng lao động), được đề nghị chi trả tổng kinh phí hơn 50,4 tỉ đồng; khối Nhà nước có 26 người với tổng kinh phí gần 25 tỉ đồng, gồm 25 công chức nghỉ hưu trước tuổi (hơn 23,8 tỉ đồng) và 1 công chức nghỉ thôi việc (hơn 1,1 tỉ đồng).
Đáng chú ý, trong danh sách các cán bộ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi có trường hợp ông T.S – cán bộ Huyện ủy Yên Thành – được đề nghị hưởng tổng chế độ hơn 2,46 tỉ đồng.
Trước khi nghỉ hưu, ông T.S có mức lương hơn 26,7 triệu đồng/tháng, đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 33 năm 9 tháng và nghỉ hưu trước tuổi 4 năm 7 tháng.