Trang chủ Kiến thức Đại gia giàu top đầu Việt Nam chi gần trăm tỷ mua máy bay rồi cho thuê giá 1 đồng, là ai?

Đại gia giàu top đầu Việt Nam chi gần trăm tỷ mua máy bay rồi cho thuê giá 1 đồng, là ai?

bởi Admin
0 Lượt xem

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, nằm trong số những doanh nhân ít được biết đến nhất trên thị trường. Ông chỉ được công chúng gặp một lần mỗi năm tại Đại hội cổ đông của tập đoàn.

Ngược thời gian về năm 1992, ông Long cùng ông Trần Tuấn Dương (hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) đồng sáng lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát. Ban đầu, công ty chủ yếu nhập khẩu đồ cũ từ Nga về Việt Nam kinh doanh.

Hòa Phát, chủ tịch Hòa Phát, kiến thức

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Việc thành lập doanh nghiệp tư nhân vào đầu những năm 1990 không hề đơn giản. Hồ sơ phải được Phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm chứng nhận, cần chứng minh tài sản, vay mượn vài chục triệu đồng để phong tỏa tài khoản ngân hàng, thậm chí phải xác nhận lý lịch cá nhân. Khi đó, ông Long đã lấy chính nhà mình làm địa điểm đăng ký kinh doanh để đủ điều kiện thành lập công ty.

Đến năm 1996, Hòa Phát chính thức gia nhập ngành thép bằng việc thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát. Khi ấy, quyết định này vấp phải sự nghi ngờ từ chính những người trong ngành. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2015, ông Long kể lại: “Hỏi 9 người thì cả 10 người đều bảo Hòa Phát sẽ thất bại”.

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, với niềm đam mê và chiến lược kinh doanh vững chắc, Hòa Phát từng bước vươn lên, trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép.

Hòa Phát, chủ tịch Hòa Phát, kiến thức

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Hòa Phát hiện dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép, đồng thời nằm trong Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất cả nước. Năm 2024, Hòa Phát tiếp tục xếp thứ 16 trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, theo đánh giá của Brand Finance.

Là một trong những doanh nhân giàu nhất Việt Nam, ông Trần Đình Long liên tục xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới do Forbes công bố. Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes ngày 6/3/2025, ông sở hữu khối tài sản khoảng 2,4 tỷ USD, đứng thứ 3 tại Việt Nam và xếp hạng 1.462 thế giới.

Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, ông Long lại có lối sống đơn giản, gần gũi. Ông từng chia sẻ: “Tôi vẫn là tôi thôi, mọi sinh hoạt không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn làm những gì tôi thích, chứ không phải vì là tỷ phú mà sống giống người khác”.

Mỗi ngày, vị tỷ phú này uống hai ly cà phê, nhưng không phải trong không gian sang trọng mà là dưới gốc tre, ngoài trời. Ông cũng rất ít khi tiếp khách, hầu như không uống rượu bia vì “không uống được”. Đặc biệt, ông luôn duy trì thói quen ăn cơm tối ở nhà, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt: “Tôi ăn đủ 365 bữa cơm tối ở nhà”.

Chính phong cách sống bình dị, không phô trương đã khiến ông Long được mệnh danh là “tỷ phú nhàn nhất Việt Nam”.

Năm 2010, ông Trần Đình Long từng gây chú ý khi trở thành người sở hữu máy bay riêng thứ hai tại Việt Nam. Ông chi khoảng 5 triệu USD (gần 130 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) để mua mẫu trực thăng EC135Pi, loại máy bay 6 chỗ ngồi, chuyên bay ở tầm thấp.

Tuy nhiên, vào năm 2014, trong một lần chia sẻ, ông Long tiết lộ rằng chiếc trực thăng này được cho Tập đoàn Hòa Phát thuê với giá… 1 đồng/năm. Hòa Phát có toàn quyền sử dụng máy bay vào mục đích công việc.

Hòa Phát, chủ tịch Hòa Phát, kiến thức

Theo quy định, máy bay trực thăng chỉ được phép bay khi có sự phê duyệt từ Bộ Quốc phòng. Các loại máy bay không bay theo đường hàng không thông thường như trực thăng phải xin phép trước mỗi lần cất cánh.

Mặc dù đã “cho thuê” với giá tượng trưng, ông Long vẫn phải chi khoản tiền khổng lồ để duy trì hoạt động của chiếc trực thăng này. Chỉ riêng tiền thuê bến đỗ đã lên đến vài trăm triệu đồng/tháng. Ông thậm chí thuê hẳn một khu đất rộng hàng chục hecta tại Yên Bái để làm sân bay riêng.

Một nguồn tin thân cận tiết lộ, nếu tính tất cả các chi phí, ông Long phải chi khoảng 2 tỷ đồng/tháng để vận hành trực thăng – tương đương giá một chiếc ô tô hạng sang. Từ khi mua đến lúc bán lại, tổng số tiền “nuôi” máy bay có thể mua được hơn 20 chiếc xe sang.

Cuối năm 2011, ông quyết định bán lại máy bay cho chính công ty mà ông đã mua trước đó. Sau giao dịch, Cục Hàng không Việt Nam đã xóa đăng ký quốc tịch của chiếc máy bay này.

A. Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)

Bài viết liên quan