Theo tờ trình, thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về việc “sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã”, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã theo hướng bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất, gồm: Diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Trong đó, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27 năm 2022).
Đồng thời, dự thảo nghị quyết cũng quy định không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi hoặc đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo Bộ Nội vụ, căn cứ các tiêu chí định hướng này, dự kiến cả nước chỉ còn 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh là giữ nguyên, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cao Bằng và Lạng Sơn từng hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng
Vùng đất Cao Bằng trong lịch sử từng thuộc Tượng Quận và Gia Chỉ thời Bắc thuộc, sau đó lần lượt mang các tên như Trường Sinh quốc, Đại Lịch quốc, Nam Thiên quốc, Đại Nam Quốc.
Cao Bằng.
Danh xưng “Cao Bằng” lần đầu xuất hiện trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi (1435). Đời vua Lê Hiến Tông (1497-1504), triều đình tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng.
Thời vua Minh Mạng (1831), trấn Cao Bằng được đổi thành tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1948, chính quyền cách mạng bãi bỏ cấp phủ, tổng, thống nhất gọi là huyện. Ngày 3/10/1950, Cao Bằng được hoàn toàn giải phóng, trở thành một tỉnh có vai trò chiến lược tại vùng biên giới phía Bắc.
Tỉnh Lạng Sơn, với địa danh xuất hiện từ thời Lý, được ghi nhận là vùng đất quan trọng của Đại Cồ Việt và Đại Việt. Trải qua các thời kỳ chiến tranh và kháng chiến, Lạng Sơn không chỉ là chiến địa quan trọng mà còn là căn cứ hậu cần, góp phần quyết định trong các chiến thắng như Chi Lăng (1427).
Lạng Sơn.
Thời kỳ Pháp thuộc, năm 1905, Lạng Sơn được xác lập lại tên gọi là tỉnh. Trong kháng chiến chống Pháp, Lạng Sơn là một trong 6 tỉnh của khu Việt Bắc.
Tháng 4/1976, Quốc hội quyết định hợp nhất hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao – Lạng. Tuy nhiên, đến tháng 12/1978, tỉnh Cao – Lạng được chia tách trở lại thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn như hiện nay.
Sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cao Bằng
Theo Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, năm 2024, quy mô kinh tế tỉnh ước đạt 25.204 tỷ đồng, tăng 6,74% so với năm 2023. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (56%), tiếp đến là nông – lâm nghiệp – thủy sản (21%) và công nghiệp – xây dựng (19%).
GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Mặc dù công nghiệp, thương mại – dịch vụ đang có bước phát triển rõ rệt, nông nghiệp vẫn giữ vai trò căn bản. Diện tích rừng trồng mới năm 2024 đạt gần 3.858ha, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 18.000m3, củi khai thác đạt gần 848.000ste.
Thác Bản Giốc là một địa danh du lịch nổi tiếng của Cao Bằng.
Du lịch Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, sông Quây Sơn, hang Pác Bó… Năm 2024, tỉnh đón khoảng 1,72 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.360 tỷ đồng.
Sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn
Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 25.779 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,01%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với dịch vụ chiếm hơn 50%, công nghiệp – xây dựng 23,71%, nông – lâm – thủy sản 21,51%.
GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 61,1 triệu đồng (2.484 USD). Tỉnh có hơn 518.755ha đất rừng, sản lượng gỗ khai thác trung bình 98.000m³/năm, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu sang nhiều nước châu Á.
Một góc thành phố Lạng Sơn.
Du lịch Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Năm 2024, Lạng Sơn đón khoảng 4,2 triệu lượt khách. Các điểm đến nổi bật gồm ải Chi Lăng, chùa Tam Thanh, thành cổ Lạng Sơn cùng hàng trăm lễ hội và di tích truyền thống.