Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn Phòng Luật Kết Nối, nhấn mạnh: “Trước khi có bản án chính thức xác định quyền sở hữu đối với phần đất tranh chấp, tài sản trên đất đó (ví dụ như tường rào) vẫn thuộc quyền sở hữu của người đã xây dựng. Việc tự ý tháo dỡ công trình, dù biết là xây dựng trái phép, có thể bị coi là hành vi xâm phạm tài sản của người khác”.
Nhiều người lầm tưởng rằng mình có quyền “phán quyết” ai là chủ sở hữu đất và tự cho mình quyền tháo dỡ công trình sai phạm. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép bất kỳ hành vi tự ý, tùy tiện xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác. Hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất đai, gia chủ nên làm đơn gửi chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường) yêu cầu giải quyết hành vi lấn chiếm theo Điều 235 Luật Đất đai 2024 (Ảnh minh hoạ)
Theo Điều 178 Bộ Luật Hình sự 2015, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.
Luật sư Hùng lưu ý, nếu hành vi tháo dỡ gây ảnh hưởng, làm mất giá trị hoặc gây thiệt hại về tài sản được pháp luật bảo vệ, và hành vi này được thực hiện một cách cố ý, có chủ đích rõ ràng, thì hoàn toàn có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản.
Vậy, khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất đai, gia chủ nên làm gì? Khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai 2024 quy định, người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai bị xâm phạm. Do đó, gia đình bạn nên làm đơn gửi chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường) yêu cầu giải quyết hành vi lấn chiếm theo Điều 235 Luật Đất đai 2024.
(Ảnh minh hoạ)
Nếu người lấn chiếm không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu họ trả lại đất và buộc tháo dỡ công trình theo trình tự tố tụng và thi hành án.
Mặc dù bạn có thể chứng minh rõ ràng hành vi xây dựng trái pháp luật của người khác, nhưng mọi hành động pháp lý, cưỡng chế, thi hành án đều phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc tự ý tháo dỡ công trình lấn chiếm không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn có thể đẩy bạn vào vòng lao lý. Hãy luôn tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và hành động một cách cẩn trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.