Điều kiện tiên quyết trước khi “xuống tiền”
Trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ kênh nào, chuyên gia Phan Hoàng Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài chính. Theo đó, nhà đầu tư cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng sau:
– Quỹ dự phòng: Phải có một quỹ dự phòng đủ lớn, tương đương tối thiểu 3 tháng chi tiêu thiết yếu, để đối phó với những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống.
– Bảo hiểm nhân thọ: Nên tham gia bảo hiểm nhân thọ với mức phí hàng năm khoảng 5-8% thu nhập năm, nhằm bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình trước những rủi ro về sức khỏe.
– Quản lý chi tiêu hiệu quả: Khả năng quản lý chi tiêu tốt, tạo ra thặng dư hàng tháng là yếu tố then chốt để có vốn tích lũy đầu tư và đảm bảo khả năng duy trì đầu tư trong dài hạn.
Chỉ khi đáp ứng được những điều kiện này, nhà đầu tư mới có thể tự tin và vững vàng trên con đường đầu tư, tránh được những quyết định vội vàng do áp lực tài chính.
Phân tích chuyên sâu về kênh đầu tư vàng
Vàng từ lâu đã được xem là một kênh đầu tư “phòng thủ”, giúp bảo toàn giá trị tài sản và chống lại lạm phát. Tuy nhiên, chuyên gia Phan Hoàng Quân lưu ý rằng, vai trò này chỉ thực sự hiệu quả khi đầu tư trong dài hạn.
Dẫn chứng từ Dragon Capital Việt Nam cho thấy, tỷ suất sinh lời trung bình của vàng trong 21 năm (2001-2022) đạt 9%/năm. Tuy nhiên, con số này giảm dần xuống 7,2%/năm trong 15 năm và chỉ còn 1,7%/năm trong 10 năm. Điều này cho thấy, việc đầu tư vàng ngắn hạn hoặc lựa chọn sai thời điểm có thể dẫn đến thua lỗ và mất khả năng chống lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh và chênh lệch giá mua – bán lớn như hiện nay.
Nhà đầu tư nên lựa chọn vàng hay chứng khoán khi có 500 triệu đồng trong tay? (Ảnh minh hoạ)
Theo chuyên gia, sự tăng trưởng “nóng” của vàng trong những năm gần đây (13% năm 2023, 26% năm 2024 và 52% tính đến tháng 4/2025) có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường vàng đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, giá vàng có thể sẽ chậm lại hoặc thậm chí giảm để trở về mức tăng trưởng trung bình dài hạn (khoảng 9%/năm). Điều này đã từng xảy ra trong giai đoạn 2011-2021 sau khi giá vàng tăng “nóng” trong giai đoạn 2008-2011.
“Giá vàng thường tăng do những bất ổn của nền kinh tế thế giới như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh… Do đó, khi các sự kiện này chấm dứt, giá vàng sẽ giảm tương ứng. Vàng lên nhanh bao nhiêu thì sẽ giảm giá nhanh bấy nhiêu. Vì vậy, việc đầu tư vàng vào thời điểm hiện tại tiềm ẩn rủi ro cao và chi phí giao dịch lớn do chênh lệch giá mua – bán lớn”, ông Quân phân tích.
Với kỳ vọng lợi nhuận giảm dần và rủi ro cao, chuyên gia Phan Hoàng Quân cho rằng, vàng không phải là lựa chọn đầu tư tối ưu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc phân bổ một phần nhỏ tài sản (5-10%) vào vàng và duy trì dài hạn như một lớp tài sản phòng thủ nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Cơ hội và thách thức từ thị trường chứng khoán
Trái ngược với quan niệm phổ biến về chứng khoán là kênh đầu tư rủi ro và dễ thua lỗ, chuyên gia Phan Hoàng Quân cho rằng, nếu nhà đầu tư có phương pháp đầu tư phù hợp và nắm giữ dài hạn, chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận vượt trội.
Thống kê từ Dragon Capital Việt Nam cho thấy, tỷ suất sinh lời trung bình của cổ phiếu trong 5 năm đạt 19,2%/năm, 10 năm đạt 15,8%/năm, 15 năm đạt 10,8%/năm và 21 năm đạt 15,9%/năm (trong giai đoạn 2001-2022).
Tuy nhiên, chuyên gia Phan Hoàng Quân cũng nhấn mạnh rằng, đầu tư cổ phiếu đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao, phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm và khả năng theo dõi, nghiên cứu thị trường liên tục. Đối với nhà đầu tư không chuyên, ông khuyến nghị nên đầu tư cổ phiếu thông qua các sản phẩm chứng chỉ quỹ mở để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân cũng là một bước quan trọng để xây dựng chiến lược phân bổ vốn phù hợp với tình hình tài chính cá nhân và bối cảnh kinh tế, chính trị hiện tại.
(Ảnh minh hoạ)
Theo chuyên gia Phan Hoàng Quân, trong khi vàng đã tăng “nóng”, cổ phiếu hiện đang được định giá khá rẻ. Số liệu từ Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT cho thấy, chỉ số VN-Index đang có P/E (tổng vốn hóa/tổng lợi nhuận sau thuế) là 12,25, thấp hơn mức trung bình là 15, và P/B (tỷ lệ giữa giá cổ phiếu và giá trị sổ sách) là 1,58, thấp hơn mức trung bình là 2 (từ 2012-2025).
“Đây là mức giá hấp dẫn của kênh cổ phiếu khi định giá đã giảm về gần mức đáy, tạo dư địa tăng trưởng lớn. Giá cổ phiếu thường giảm khi có bất ổn kinh tế và tăng trở lại khi triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Thị trường cổ phiếu thường phản ánh tình trạng kinh tế thực sớm hơn 6 tháng, vì vậy, khi cảm nhận được kinh tế khởi sắc, giá cổ phiếu đã tăng trưởng mạnh”, ông Quân phân tích.
Mặc dù thị trường cổ phiếu vẫn còn nhiều biến động và rủi ro, chuyên gia Phan Hoàng Quân nhận định đây là một kênh đầu tư phù hợp vì có mức lợi nhuận kỳ vọng cao tương ứng với rủi ro cao.
Phân bổ tài sản hợp lý để tối ưu lợi nhuận
Chuyên gia Phan Hoàng Quân kết luận: “Vàng và cổ phiếu là hai lớp tài sản có tính chất tăng trưởng ngược nhau. Việc kết hợp phân bổ tài sản vào cả hai lớp tài sản này sẽ giúp nhà đầu tư có được một danh mục tài sản đa dạng và cân bằng. Tuy nhiên, tỷ trọng của các lớp tài sản này phụ thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro, khẩu vị rủi ro của mỗi người và chu kỳ hiện tại của nền kinh tế”.
Theo ông Quân, chu kỳ kinh tế Việt Nam hiện đang ở giai đoạn phục hồi và chuyển tiếp sang giai đoạn tiền tăng trưởng. Đây là điểm giao thoa giữa các lớp tài sản phòng thủ (vàng) và đầu tư (cổ phiếu). Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn tiền tăng trưởng, giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh và giá vàng có thể giảm.
“Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên phân bổ tỷ trọng cổ phiếu nhiều hơn vàng để tối ưu hóa lợi nhuận trong chu kỳ kinh tế tiếp theo”, ông Quân khuyến nghị.