Một câu chuyện đầy cảm hứng về một tài xế gặp nạn trên đường đã minh chứng cho sức mạnh của tư duy ngược. Chiếc xe của anh bị rơi xuống mương, và dịch vụ cứu hộ đưa ra mức giá “cắt cổ” là 1200 nhân dân tệ. Thay vì chấp nhận mức giá đó, anh đã có một giải pháp sáng tạo: đặt 10 suất cơm qua ứng dụng giao đồ ăn.
Khi 10 shipper lần lượt đến, anh đã mời họ cùng hợp sức nâng chiếc xe lên khỏi mương. Với sự giúp đỡ của họ, anh đã giải quyết được vấn đề chỉ với 350 nhân dân tệ (bao gồm tiền cơm và “tip” cho mỗi người) và còn nhận được những lời cảm ơn chân thành.
Câu chuyện này cho thấy, tư duy ngược không phải là một tài năng bẩm sinh mà là một thói quen, một cách tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác.
1. Tư duy ngược là gì và tại sao nó lại quan trọng?
Rèn luyện tư duy ngược không chỉ giúp con cái vượt qua khó khăn mà còn mở nhiều cơ hội mới cho trẻ sau này (Ảnh minh hoạ)
Tư duy ngược (lateral thinking) là khả năng nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác, không bị giới hạn bởi những suy nghĩ thông thường. Đó là khả năng “lội ngược dòng” trong mọi hoàn cảnh, tìm ra những giải pháp sáng tạo và độc đáo.
Người có tư duy ngược không chỉ giải quyết vấn đề hiệu quả hơn mà còn có khả năng:
– Nhìn thấy những điều người khác bỏ sót: Khi không bị giới hạn bởi những điều hiển nhiên, họ có thể nhìn thấy bản chất của vấn đề, phát hiện những tài nguyên, quy luật và kết nối mà người khác không thấy.
– Tìm ra lối đi riêng: Trong khi số đông còn mắc kẹt trong “đáp án chuẩn”, người tư duy ngược đã tìm thấy lối đi riêng trong những “khe hở” của hệ thống.
– Biến thách thức thành cơ hội: Một đứa trẻ có khả năng biến vấp ngã thành bệ phóng, biến tình huống bế tắc thành cơ hội xoay chuyển – đây chính là tài sản quý giá hơn cả tiền bạc.
Khả năng này giống như một thỏi nam châm vô hình hút lấy cơ hội. Khi trưởng thành, trẻ sẽ chuyển hóa kỹ năng này vào việc kiếm sống: tìm được ngách nghề mới giữa làn sóng sa thải, tìm ra mỏ vàng trong cơn “đại hàn” của ngành nghề. Lúc ấy, kiếm tiền sẽ dễ như hít thở.
2. Vậy làm thế nào để rèn luyện tư duy ngược cho con?
(Ảnh minh hoạ)
Dưới đây là một số phương pháp mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp con phát triển tư duy ngược:
Rèn luyện tư duy phản sự thật (counterfactual thinking)
Đặt ra những câu hỏi “nếu như” phi thực tế để kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Ví dụ: “Nếu mặt trời mọc ở hướng Tây, sáng mai chúng ta nên ăn món gì trước?”, “Nếu tất cả táo trong siêu thị bỗng biến thành màu xanh dương, chuyện gì sẽ xảy ra?”. Theo các chuyên gia, những câu hỏi này giúp kích hoạt mạng mặc định của não bộ (DMN) và vùng vỏ não trước trán lưng bên, giúp tăng kết nối giữa các nơ-ron, tạo ra nhiều khớp thần kinh mới. Khi não bộ quen “tư duy không theo lối mòn”, trẻ sẽ dễ dàng tìm ra cách giải sáng tạo trong toán học hay khi gặp tình huống khó khăn.
Áp dụng phương pháp “Vòng tròn vàng” (Golden Circle)
Hướng dẫn con đặt câu hỏi theo thứ tự ngược: “Tại sao?”, “Như thế nào?”, “Cái gì?”. Thay vì bắt đầu từ hành động (cái gì), hãy bắt đầu từ mục tiêu (tại sao) để giúp trẻ hiểu rõ mục đích của việc mình làm và tìm ra những phương pháp sáng tạo để đạt được mục tiêu đó. Steve Jobs là một ví dụ điển hình, ông không bắt đầu từ sản phẩm mà từ lý tưởng “Thay đổi thế giới”, rồi mới đến thiết kế và cuối cùng là sản phẩm. Nghiên cứu cho thấy, cách “tư duy từ kết quả ngược lại” này giúp tăng sóng theta ở vùng vỏ não trước, kết nối mạnh hơn giữa vùng hải mã và vùng trán – nhờ vậy, trẻ có thể tự động xây dựng bản đồ tư duy kể cả khi học thuộc lòng!
Biến khuyết điểm thành ưu điểm
(Ảnh minh hoạ)
Giúp trẻ nhìn nhận những điểm yếu của mình dưới một góc độ khác và biến chúng thành lợi thế. GS Duckworth (ĐH Pennsylvania, 2016) cho thấy: “Trẻ được rèn luyện “tái định nghĩa điểm yếu” có chỉ số chống chịu tăng trung bình 37.2% sau 6 tháng”. Ví dụ, nếu con hay cãi lời, hãy nói: “Phản biện của con thú vị đấy! Nếu là trợ lý thẩm vấn, con sẽ hỏi gì để bắt được tội phạm?”.
Xây dựng tư duy tài chính “ngược với lẽ thường”
Khi cho trẻ tiền tiêu vặt, hãy thêm những quy tắc khuyến khích trẻ suy nghĩ sáng tạo về cách sử dụng tiền. Ví dụ: “Nếu tiêu hết 100 nghìn đồng, phải nộp “báo cáo chi tiêu””; “Nếu biến 100 nghìn đồng thành giá trị 150 tệ, sẽ được thưởng gấp đôi số vốn”. Điều này giúp trẻ hiểu rằng tiền không phải là thứ cố định, nó giống như dòng nước, biết cách thì sẽ làm nó chảy theo ý mình.
Rèn luyện tư duy ngược cho con không chỉ là một kỹ năng mà còn là một món quà vô giá, giúp con tự tin đối mặt với mọi thử thách và nắm bắt mọi cơ hội trong cuộc sống. Mong rằng con cái chúng ta có thể sở hữu tư duy ngược, nhìn thấy một thế giới hoàn toàn mới – và trở thành người mà ông trời cũng phải “đuổi theo” để ban cơ hội, ban tài lộc.