Các lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của quy định mới này bao gồm bán lẻ, dịch vụ ăn uống, đồ uống, lưu trú, chăm sóc sức khỏe, làm tóc, làm đẹp, giải trí, và vận chuyển hành khách. Đây là những ngành có đặc thù giao dịch trực tiếp với người mua, dễ phát sinh rủi ro về thuế nếu không được quản lý chặt chẽ. Do đó, các hộ kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê, siêu thị mini, tiệm trà sữa, cửa hàng thời trang cần chủ động kiểm tra lại doanh thu năm để xác định việc tuân thủ quy định.
Từ ngày 1/6/2025, hộ kinh doanh thiếu ‘máy tính tiền’ sẽ bị xử phạt (Ảnh minh hoạ)
Mặc dù được gọi là “máy tính tiền”, người bán không nhất thiết phải đầu tư máy POS truyền thống. Thay vào đó, họ có thể sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, hoặc máy tính xách tay, miễn là thiết bị đó có khả năng kết nối và truyền dữ liệu điện tử theo thời gian thực đến cơ quan thuế. Việc sử dụng phần mềm giúp giảm chi phí ban đầu và tăng tính linh hoạt, đặc biệt hữu ích cho các cửa hàng nhỏ hoặc có không gian hạn chế. Tổng cục Thuế đã công bố danh sách các nhà cung cấp phần mềm HĐĐT đạt chuẩn, bao gồm các tên tuổi như MISA eInvoice, Viettel Invoice, VNPT Invoice, CyberBill, Fast e-Invoice, EasyInvoice.
Nếu không tuân thủ quy định về hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, hộ kinh doanh có thể bị xử phạt theo Luật Quản lý thuế và Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể, mức phạt từ 4-8 triệu đồng nếu không lập hóa đơn điện tử đúng quy định. Mức phạt này sẽ tăng nếu tái phạm hoặc cố tình không kết nối, không gửi dữ liệu hóa đơn theo yêu cầu. Trong trường hợp không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, cơ quan thuế có quyền kiểm tra, đối chiếu và ấn định mức doanh thu để tính thuế, có thể gây thiệt hại không nhỏ cho hộ kinh doanh.
(Ảnh minh hoạ)
Dù còn một số lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu hoặc thao tác kỹ thuật, nhiều chuyên gia nhận định quy định mới sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của khu vực hộ cá thể, vốn tồn tại nhiều khoảng trống trong việc kê khai thuế.
Để tuân thủ, các hộ kinh doanh có thể thực hiện theo các bước sau:
1. Liên hệ đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế công nhận để được tư vấn.
2. Đăng ký mẫu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên Cổng thông tin của Tổng cục Thuế (hoặc qua nhà cung cấp dịch vụ).
3. Triển khai sử dụng chính thức từ ngày 1/6/2025, thực hiện kết nối và truyền dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế sau mỗi giao dịch.