Tìm hiểu kỹ khi xây nhà riêng lẻ
Luật sư Châu Duy Nguyên – Văn phòng Luật sư An Đăng (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) – cho biết, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ là nhu cầu phổ biến và thiết yếu, nhất là tại các khu vực đang đô thị hoá nhanh. Tuy nhiên, nếu người dân không tìm hiểu kỹ quy định trước khi xây dựng sẽ dễ vi phạm và phải chịu chế tài nghiêm khắc từ pháp luật.
“Xây nhà không đơn giản chỉ là chuyện cá nhân. Người dân cần quan tâm đến quy hoạch, quy chuẩn xây dựng, trách nhiệm pháp lý, và quan trọng nhất là xem có cần xin giấy phép hay không”, luật sư Nguyên nói.
Xây nhà ở riêng lẻ, cần nắm rõ quy định để tránh bị xử phạt (Ảnh minh họa).
Luật sư Nguyên cho hay, Điều 89 Luật Xây dựng 2014, một số trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm:
Nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.
Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn (quy mô dưới 7 tầng), không thuộc quy hoạch đô thị, khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng và Nhà ở riêng lẻ cấp IV tại miền núi, hải đảo, khu vực không có quy hoạch xây dựng.
Những trường hợp có thể bị phạt
Tuy nhiên, nhà ở riêng lẻ nằm trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa vẫn phải xin giấy phép xây dựng, dù thuộc nông thôn hay thành thị.
“Theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi xây dựng công trình khi chưa có giấy phép trong trường hợp pháp luật yêu cầu phải có sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng, đối với nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép.
(Ảnh minh họa)
Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng nếu vi phạm tại khu bảo tồn, di tích lịch sử – văn hóa.
Phạt tiền từ 120 đến 140 triệu đồng với công trình thuộc diện phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Ngoài tiền phạt, người vi phạm còn có thể bị buộc đình chỉ thi công, tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm và khắc phục hậu quả”, Luật sư Nguyên nói.
Luật sư Châu Duy Nguyên cũng chia sẻ thêm, một điểm mới đáng chú ý, theo Nghị định 140/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy đinh, UBND cấp xã được phân cấp mạnh hơn trong quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương. Cụ thể, có quyền cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình cấp III, cấp IV trên địa bàn; Tiếp nhận thông báo khởi công, kiểm tra hiện trạng và phối hợp kiểm tra quá trình thi công; Giám sát chặt chẽ việc xây dựng để xử lý kịp thời vi phạm ngay từ giai đoạn đầu.
“UBND cấp xã không còn chỉ làm trung gian chuyển hồ sơ như trước, mà giờ đây có vai trò quản lý trực tiếp. Điều này giúp tăng cường giám sát, ngăn chặn sớm vi phạm, nhất là ở khu vực nông thôn đang phát triển nhanh”, luật sư Nguyên nhận định.