1. Công nghệ thông tin
Thời kỳ hội nhập chứng kiến công nghệ thông tin tiếp tục là ngành mũi nhọn với nhu cầu nhân sự tăng cao do sự bùng nổ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Theo báo cáo từ các ứng dụng việc làm, thị trường Việt Nam cần hơn 500.000 nhân sự IT vào năm 2025, trong khi nguồn cung hiện tại chưa đáp ứng đủ một nửa.
5 ngành nghề khó thất nghiệp trong 10 năm tới, luôn “khát” nhân lực có tay nghề cao (Ảnh minh hoạ)
Các vị trí như lập trình viên, chuyên gia bảo mật, kỹ sư AI hay phân tích dữ liệu không chỉ có mức lương khởi điểm hấp dẫn từ 15 – 25 triệu đồng/tháng mà còn có cơ hội thăng tiến mạnh mẽ trong môi trường quốc tế. Báo cáo cho biết, mức lương trung bình của lập trình viên trong nước vào năm 2024 ước tính dao động từ 28 – 70 triệu đồng/tháng, và có thể cao hơn đối với những vị trí quan trọng, tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm.
2. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe
Ngành y tế và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe cũng đang có nhu cầu lớn về nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa và ý thức chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Các báo cáo việc làm dự báo, trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 72.000 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng.
(Ảnh minh hoạ)
Những công việc trong lĩnh vực này bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các bệnh viện nhà nước và cơ sở y tế tư nhân. Công việc này không chỉ đảm bảo tính ổn định mà còn mang lại thu nhập cao, với mức lương khởi điểm từ 10 – 15 triệu đồng/tháng và có thể tăng lên đến 50 – 70 triệu đồng/tháng đối với các bác sĩ có chuyên môn cao.
3. Thương mại điện tử và logistics
Ngành thương mại điện tử và logistics đang trở thành xu hướng tất yếu nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và thói quen mua sắm trực tuyến. Ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn trong các vị trí như quản lý chuỗi cung ứng, phân tích dữ liệu khách hàng và vận hành kho bãi.
(Ảnh minh hoạ)
Dựa trên tốc độ tăng trưởng hiện tại, nhóm ngành này có thể tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm. Mức lương trung bình từ 12 – 20 triệu đồng/tháng ở các vị trí quản lý vận hành. Đặc biệt, ngành này đòi hỏi một lượng lớn những lao động có tay nghề cao và kinh nghiệm với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng.
4. Kỹ thuật cơ khí – tự động hóa
Kỹ thuật cơ khí – tự động hóa là một ngành nghề ít có nguy cơ thất nghiệp do nhu cầu sản xuất công nghiệp và công nghệ tự động hóa ngày càng cao. Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và ô tô, tạo cơ hội việc làm rộng mở cho người lao động, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao.
(Ảnh minh hoạ)
Mức lương cho kỹ sư cơ khí – tự động hóa hiện dao động từ 12 – 30 triệu đồng/tháng tùy theo kinh nghiệm và trình độ chuyên môn. Ngành này cũng có cơ hội và lộ trình thăng tiến rõ ràng, với thu nhập có thể lên tới 40 triệu đồng/tháng cho cấp quản lý.
5. Marketing và truyền thông số
Nghề tiếp thị và truyền thông số cũng là lĩnh vực đang bùng nổ mạnh mẽ nhờ sự phát triển của nền kinh tế số và các nền tảng mạng xã hội. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến tiếp thị kỹ thuật số, thương hiệu cá nhân và quảng cáo trực tuyến, tạo ra nhu cầu lớn đối với các vị trí như chuyên viên SEO, content marketing hay chuyên gia phân tích dữ liệu khách hàng.
(Ảnh minh hoạ)
Theo báo cáo, mức lương của nhân sự ngành này dao động từ 10 – 25 triệu đồng/tháng đối với người mới ra trường. Ở những vị trí cao hơn hay khi đạt được những dự án lớn, mức thu nhập của người lao động có thể lên mức 40 triệu đồng/tháng.
Việc lựa chọn một ngành nghề phù hợp với xu thế không chỉ giúp đảm bảo công việc ổn định mà còn mang lại cơ hội phát triển bền vững, thu nhập hấp dẫn và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.