“Núi cao ắt có đường đi, sông sâu tự có người đưa đò” – câu thiền ngữ ấy phản ánh trí tuệ sống của đạo Phật, nơi con người luôn tìm kiếm sự an yên trong chính tâm mình giữa dòng đời xô bồ. Trong xã hội hiện đại, khi áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng, nhiều người hướng về tôn giáo như một điểm tựa tinh thần. Tại Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng với hệ thống giáo lý phong phú, nhân văn, thu hút một lượng lớn tín đồ.
Phật giáo ra đời tại Ấn Độ, do Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập. Sau khi truyền sang phương Đông, Phật giáo đã hòa quyện với văn hóa truyền thống, hình thành một hệ phái riêng biệt đậm chất Á Đông. Với nhiều người Việt, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là triết lý sống. Niềm tin vào “nhân quả”, “duyên khởi”, hay việc mọi sự trên đời đều có nguyên nhân và mối liên kết, là cốt lõi tư tưởng Phật học, giúp con người tìm được sự thấu hiểu trong dòng biến động.
“A Di Đà Phật” là danh hiệu của một vị Phật đặc biệt quan trọng trong hệ thống Phật giáo Đại thừa. Trong đó, “A Di Đà” có nghĩa là “vô lượng”, còn “Phật” là “bậc giác ngộ’. Cụ thể, “A’ nghĩa là không, “Di Đà” là lượng tức là vô cùng vô tận. Cái tên “A Di Đà Phật” tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ vô biên, tuổi thọ vô lượng và lòng từ bi không giới hạn. Đây cũng là vị Phật chủ trì cõi Tây phương Cực Lạc – một thế giới thanh tịnh, an vui, không còn khổ đau, nơi mà những ai chí tâm niệm Phật sẽ được tiếp dẫn sau khi qua đời.
Câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” không chỉ là câu niệm quen thuộc mà còn hàm chứa ý nghĩa sâu xa về sự kính lễ và quy y với đấng giác ngộ có công đức và ánh sáng vô lượng
Việc niệm “A Di Đà Phật” là hành động thể hiện niềm tin vào sự giác ngộ, vào việc buông bỏ khổ đau, hướng tới giải thoát. Câu niệm này không đơn thuần chỉ là lời cửa miệng của nhà sư hay Phật tử, mà còn là sự thể hiện khát vọng sống hướng thiện, biết yêu thương và buông xả.
Điều thú vị là, hiện nay vẫn tồn tại nhiều cách đọc khác nhau với danh hiệu này, có người đọc là “A Mi Đà Phật”, người khác lại đọc “Ô mi đà Phật”. Tuy nhiên, theo quan điểm của cố học giả Nam Hoài Cẩn – người có ảnh hưởng lớn trong giới nghiên cứu Phật học Trung Quốc thì cách đọc “A” là phù hợp nhất, bởi chữ “A” mạnh, rõ, hàm chứa ý nghĩa tích cực, tươi sáng, tượng trưng cho hy vọng, niềm tin và năng lượng sống.
Học giả Nam Hoài Cẩn
Ông cho rằng, đọc to, rõ ràng chữ “A” trong câu “Nam mô A Di Đà Phật” không chỉ giúp truyền đi âm thanh tích cực, mà còn là cách đánh thức sức mạnh tinh thần bên trong mỗi con người. Theo ông, bốn chữ “A Di Đà Phật” chính là tinh hoa Phật pháp, là kim chỉ nam đưa con người quay về với cõi tâm linh thuần khiết, vượt thoát những ràng buộc của dục vọng và danh lợi.
Dẫu vậy, Nam Hoài Cẩn cũng nhấn mạnh điều cốt lõi không nằm ở phát âm đúng hay sai, mà là ở tâm niệm có chân thành hay không. Trong Phật giáo, “tâm thành thì linh ứng”, chỉ cần giữ lòng thiện lương, tin sâu nhân quả và hành xử đúng đắn, thì việc tụng niệm sẽ phát huy ý nghĩa tối cao.
Ngày nay, giữa nhịp sống hối hả và nhiều giá trị đảo lộn, không ít người cảm thấy lạc lõng, đánh mất phương hướng sống. Câu niệm “A Di Đà Phật”, vì vậy, không chỉ là lời chào của người tu hành, mà còn là nhắc nhở nhẹ nhàng về việc giữ gìn sự chân thật, sống thiện lành và quay về với nội tâm an tĩnh vốn có. Dù có niệm theo cách nào, chỉ cần xuất phát từ lòng thành, thì đó đều là cách kết nối với ánh sáng của giác ngộ.