Theo quy định, từ 10 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, người đi xe máy bấm còi sẽ bị phạt. Vậy, người lái xe muốn vượt phải đi thế nào cho đúng luật?
Khoản 2 Điều 21 Luật Trật tự an toàn giao thông quy định, người điều khiển xe không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ xe ưu tiên.
Người lái xe máy cố tình bấm còi xe khi đi trong khu đông dân cư vào khung giờ trái quy định sẽ bị phạt.
Điểm i khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Cách vượt xe máy sau 10 giờ đêm khi không được bấm còi (Ảnh minh hoạ)
Để đảm bảo an toàn giao thông, người đi xe máy khi cần vượt phải đảm bảo nguyên tắc theo Điều 14 Luật Trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước phải quan sát phần đường phía trước. Nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, có tín hiệu rẽ phải để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được cản trở đối với xe xin vượt.
Trường hợp có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước có tín hiệu rẽ trái để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết là chưa được vượt.