Để làm rõ vấn đề này, luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) đã đưa ra những phân tích và hướng dẫn cụ thể dựa trên quy định pháp luật hiện hành.
Theo luật sư Tư, đối với những tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu, người thừa kế có thể tiến hành kê khai di sản thừa kế tại phòng công chứng. Tuy nhiên, đối với đất khai hoang chưa có sổ đỏ, việc này không đơn giản. Khoản 2, Điều 57, Luật Công chứng năm 2014 quy định rõ: “Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó”.
Đất chưa có sổ có chia thừa kế được không? (Ảnh minh hoạ)
Do đó, nếu người để lại di sản chưa có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, việc kê khai và phân chia di sản thừa kế đối với phần đất này thường sẽ bị phòng công chứng từ chối.
Vậy, giải pháp cho trường hợp này là gì? Luật sư Tư gợi ý, các đồng thừa kế có thể thỏa thuận cử một người đại diện để đứng tên kê khai và xin cấp sổ đỏ. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm các giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất của người quá cố và các giấy tờ chứng minh quyền thừa kế của các đồng thừa kế. Hồ sơ này sẽ được nộp tại bộ phận một cửa của UBND quận/huyện nơi có đất.
Sau khi được cấp sổ đỏ, các đồng thừa kế có thể tiến hành thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại phòng công chứng theo quy định của pháp luật. Việc này đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình thừa kế.