Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến, sau sáp nhập sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn về thứ tự bảng xếp hạng diện tích và dân số các tỉnh so với hiện nay.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng (mới) sẽ là địa phương có diện tích tự nhiên rộng nhất nước khi sáp nhập với tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông.
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc hợp nhất ba địa phương gồm Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận đã được thực hiện trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí về địa lý, kinh tế – xã hội và văn hóa.
Sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ mang tên Lâm Đồng, tổng diện tích lên đến 24.233 km², vượt qua nhiều địa phương để trở thành tỉnh rộng nhất cả nước, mở ra kỳ vọng phát triển mạnh mẽ và bền vững cho vùng đất nằm giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Dân số của tỉnh Lâm Đồng (mới) đạt hơn 3,3 triệu người, TP Đà Lạt tiếp tục là trung tâm hành chính – chính trị.
TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhìn từ trên cao
Trước sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược khi tiếp giáp với nhiều tỉnh như Bình Thuận (phía Nam và Đông Nam), Đắk Nông, Đắk Lắk (phía Bắc), Khánh Hòa, Ninh Thuận (phía Đông), và Đồng Nai, Bình Phước (phía Tây).
Việc mở rộng địa giới hành chính sau sáp nhập không chỉ giúp Lâm Đồng gia tăng quy mô, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để kết nối và khai thác hiệu quả tiềm năng liên vùng.
Tỉnh Đắk Nông, trước sáp nhập, có diện tích hơn 6.510 km² và dân số khoảng 692.000 người, sở hữu thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và năng lượng. Còn Bình Thuận là địa phương ven biển thuộc vùng Nam Trung Bộ, nổi bật với diện tích 7.812 km² và dân số hơn 1,26 triệu người, có ưu thế về ngư nghiệp, du lịch biển và năng lượng tái tạo.
Việc sáp nhập 3 địa phương không chỉ mang tính hành chính mà còn là chiến lược phát triển toàn diện vùng đất rộng lớn này.
Với khí hậu đa dạng, tài nguyên phong phú, thế mạnh nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, Lâm Đồng mới được kỳ vọng sẽ trở thành một đầu tàu tăng trưởng mới của khu vực Tây Nguyên mở rộng, đóng vai trò liên kết giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải miền Trung.
Cùng với việc mở rộng địa giới, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai công tác tổ chức bộ máy, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời đầu tư hạ tầng giao thông và dịch vụ để phục vụ cho quy mô mới. Mục tiêu lâu dài là hình thành một không gian phát triển cân đối, hiện đại và thân thiện với môi trường, xứng đáng với vị thế “trung tâm xanh” của cả nước.