Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận định rằng hiện tượng nắng nóng trong năm 2025 có khả năng diễn ra tương đương so với mức trung bình nhiều năm, không gay gắt và kéo dài như năm 2024 – một năm ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ.
“Nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, sau đó sẽ mở rộng dần ra khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4, rồi đến phía Đông Bắc Bộ và khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi”, Tiến sĩ Lâm cho biết.
Dự báo thời gian nắng nóng gay gắt nhất trong mùa hè 2025 (Ảnh minh hoạ)
Nhìn lại năm 2024, Việt Nam đã trải qua một năm với nhiệt độ trung bình cao kỷ lục. Nhiệt độ trung bình cả nước đạt 24,87 độ C, cao hơn 1,10 độ C so với trung bình nhiều năm (thời kỳ 1991-2020). Đáng chú ý, tháng 4/2024 ghi nhận mức nhiệt độ vượt trội, cao hơn mức trung bình tới 4 độ C ở các khu vực phía bắc. “Năm 2024 là năm có nhiệt độ trung bình năm toàn quốc cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc”, Tiến sĩ Lâm nhấn mạnh.
Về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ gia tăng trong những tháng đầu năm 2025. “Trong mùa khô đầu năm 2025, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm,” Tiến sĩ Lâm cho biết.
Theo dự báo, từ tháng 2 đến tháng 4/2025, xâm nhập mặn sẽ tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và hoạt động nông nghiệp tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình trạng này được dự báo sẽ không nghiêm trọng như các đợt hạn mặn lịch sử đã xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020.
Tin vui là mùa mưa dự kiến sẽ bắt đầu ở khu vực Nam Bộ vào khoảng tháng 5/2025, giúp cải thiện tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực này.
(Ảnh minh hoạ)
Trước những dự báo này, người dân và các cơ quan chức năng cần chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn, đặc biệt là tại các khu vực được xác định là có nguy cơ cao. Việc sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch và triển khai các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để giảm thiểu tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan này.