Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như giảm gánh nặng cho cha mẹ trẻ, hình thức chăm sóc này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó có hiện tượng ngày càng phổ biến được gọi là “giả chăm cháu”, tức là khi ông bà tuy ở bên cháu cả ngày nhưng lại không thực sự chăm sóc hoặc nuôi dạy theo khoa học.
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản, chị Lan quay trở lại làm việc và để con gái cho bà nội chăm sóc. Mỗi sáng, chị đều chuẩn bị sẵn rau củ nghiền để con ăn dặm. Nhưng tối về, phần thức ăn vẫn còn nguyên. Hỏi ra mới biết, bà nội không cho cháu ăn vì cho rằng: “Cháu không thích ăn, ăn bột gạo là được rồi”.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo dinh dưỡng, trẻ hơn 7 tháng tuổi cần được bổ sung rau củ, trái cây… Bà nội thì vẫn giữ quan điểm: “Ngày xưa ăn cháo loãng vẫn lớn bình thường, giờ ăn được bột gạo là tốt lắm rồi, cần gì cầu kỳ”.
Không những thế, bà còn cảm thấy việc ép cháu ăn rau khiến cháu xa lánh mình nên bà chủ động từ chối việc cho cháu ăn các món đã chuẩn bị. Cuối cùng, chính chồng chị Lan phải can thiệp, kiên trì thuyết phục bà mới đồng ý thử cho cháu ăn rau nghiền, với điều kiện nếu cháu không ăn cũng không được trách bà.
Ba kiểu “giả chăm cháu” phổ biến
Hiện tượng “giả chăm cháu” ngày càng phổ biến trong các gia đình có ông bà tham gia nuôi dạy trẻ. Dưới đây là ba kiểu điển hình:
1. Chăm cháu chiếu lệ
Do hạn chế về thể lực và sức khỏe, nhiều ông bà chọn cách để cháu tự chơi, cho ngồi xe tập đi hàng giờ, mở tivi hoặc điện thoại cho cháu xem còn mình thì tụ tập tán gẫu.
Hiện tượng “giả chăm cháu” đang âm thầm lan rộng trong các gia đình có ông bà nuôi dạy trẻ, khi nhiều người lớn tuổi tuy ở bên cháu cả ngày nhưng lại nuôi dạy theo lối cũ, thiếu khoa học (ảnh minh họa)
Một lần dạo công viên, phóng viên bắt gặp nhiều bà cụ ngồi thành nhóm, chăm chú vào điện thoại, trong khi các cháu nhỏ một mình dán mắt vào màn hình. Đây là một dạng “chăm cháu qua màn hình” đang khá phổ biến.
2. Nuôi cháu theo cách cũ
Nhiều người lớn vẫn giữ lối suy nghĩ: “Ngày xưa không có sữa công thức hay đồ ăn dặm mà con cái vẫn lớn”, “Một bát cháo thêm tí muối nó mới ngon”…
Khi bị góp ý, phản ứng thường thấy là: “Bọn trẻ giờ yếu quá, cầu kỳ quá!”, hay “Tôi từng nuôi cả mấy đứa con, không cần ai chỉ dạy”.
3. Nuông chiều quá mức
Hễ trẻ khóc là ông bà dỗ ngay, không cho trẻ rèn luyện tự lập, dẫn đến tình trạng trẻ to xác nhưng tâm lý trẻ con, dễ trở thành “em bé khổng lồ” trong gia đình.
Một trường hợp điển hình là ở Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc), một bà cụ hơn 70 tuổi cõng cháu trai cao gần 1m7 qua đoạn đường ngập nước chỉ vì… “không muốn chân cháu bị bẩn”.
Làm sao để nuôi dạy trẻ kiểu thế hệ không gây hại?
Rất nhiều bậc cha mẹ trẻ không đồng tình với cách chăm cháu của ông bà, không chấp nhận việc ông bà nuông chiều trẻ quá mức. Nhưng vì áp lực công việc và thiếu người hỗ trợ, nhiều người vẫn phải nhờ cậy đến ông bà.
Vậy đâu là giải pháp để hình thức nuôi dạy này mang lại lợi ích thay vì tác hại?
1. Phân công rõ ràng
Nếu ban ngày cha mẹ phải đi làm, có thể giao việc chăm sóc thường nhật cho ông bà. Nhưng buổi tối, cha mẹ nên chủ động dành thời gian với con, đặc biệt là trong việc học tập, phát triển kỹ năng.
Trước khi giao con cho ông bà, cần thống nhất rõ những nguyên tắc: ăn gì, chơi gì, xem gì… để tránh mâu thuẫn về sau.
2. Ông bà nên rút lui đúng lúc
Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi là thời kỳ vàng trong việc phát triển thói quen, nhân cách và kỹ năng sống. Khi đó, ông bà nên giảm vai trò, để cha mẹ là người định hướng chính trong việc giáo dục.
3. Giao tiếp, tôn trọng và thấu hiểu
Các cặp vợ chồng từng mâu thuẫn với ông bà vì khác biệt quan điểm nuôi dạy con. Chìa khóa để giải quyết là giao tiếp khéo léo, tôn trọng và lắng nghe, bởi mục tiêu chung vẫn là vì sự phát triển tốt nhất của đứa trẻ.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trách nhiệm nuôi dạy con cái thuộc về cha mẹ, còn nghĩa vụ phụng dưỡng lại là của con cái với ông bà. Việc ông bà chăm cháu là xuất phát từ tình thương, không phải nghĩa vụ bắt buộc.
Vì vậy, dù hiện tượng “giả chăm cháu” đang phổ biến, nhưng cha mẹ trẻ vẫn cần ghi nhận, cảm ơn và phối hợp cùng ông bà một cách chân thành và văn minh để tạo nên môi trường tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.