Một bà mẹ kể rằng con trai cô mới 6 tuổi, chỉ vì gia đình không mua cho cậu bé bộ robot biến hình phiên bản giới hạn, đã lập tức cầm chiếc bình hoa của bà nội ném vỡ tan tành. Đáng giận hơn, mảnh vỡ văng ra còn làm chân bà bị thương. Đứa trẻ không những không sợ hãi, không xin lỗi, mà còn đứng cười ha hả: “Ha ha, không mua đồ cho tôi thì biết hậu quả rồi chứ?”, mặt đầy vẻ đắc ý!
Bạn nghĩ câu chuyện dừng ở đây? Không đâu. Điều gây sốc hơn là cuối bài, người mẹ này còn hỏi: “Có phải con tôi quá có chính kiến không? Làm sao để ‘hướng dẫn con nhẹ nhàng’?”. Đọc xong, mình suýt ngất: Đây không phải dạy con, mà là nuôi dưỡng một “tiểu bá chủ” mất kiểm soát, hủy hoại trật tự gia đình! Đây không phải “chính kiến”, mà là sự bắt nạt cảm xúc không có giới hạn. Đằng sau đó, rõ ràng là nhiều phụ huynh dùng chiêu bài “yêu con” để dung túng cho con muốn làm gì thì làm.
Đôi khi, thứ hủy hoại trẻ không phải giàu nghèo, mà là 3 thói quen xấu do chính bạn nuông chiều.
1. Con giận dữ là bạn nhượng bộ sẽ nuôi dưỡng một “bạo chúa cảm xúc”
Cậu bé đập bình hoa kia dám làm vậy vì biết rõ, chỉ cần khóc lóc, ăn vạ, ném đồ, cả nhà sẽ cuống cuồng dỗ dành, thậm chí bao biện và dọn “hậu quả” cho nó. Dần dần, trẻ hình thành niềm tin: “Mình chỉ cần quậy đủ lớn, bố mẹ sẽ phải xuống nước”.
Bạn có hiểu không? Mỗi lần bạn “lùi bước”, trẻ không coi đó là sự thấu hiểu, mà là sự đồng ý ngầm. Khoa học chứng minh rằng trẻ được nuông chiều, không có ranh giới cảm xúc, não bộ sẽ hoạt động quá mức. Khi lớn lên, chúng dễ bốc đồng, kém kiểm soát cảm xúc, thậm chí rơi vào lo âu, trầm cảm hoặc khó hòa nhập xã hội.
Vậy phải làm gì? Con khóc? Hãy kiên nhẫn: “Khi nào bình tĩnh, mẹ con mình nói chuyện”; Con ném đồ? Nghiêm khắc: “Con có thể tức giận, nhưng không được phá hỏng đồ. Con phải đền”; Con không biết diễn đạt? Dạy trẻ dùng câu: “Con thấy buồn vì không được mua đồ chơi”.
Đừng nói “Nó còn nhỏ chưa hiểu” bởi trẻ hiểu rất rõ bạn có nghiêm túc với hành vi của chúng hay không.
Cha mẹ nuông chiều thái quá sẽ tạo nên những đứa trẻ hư trong tương lai
2. Bạn làm hộ mọi việc thì trẻ không thể tự chăm sóc bản thân
Một bà mẹ than thở: “Con gái tôi học lớp 5 rồi mà sáng nào tôi cũng phải sắp cặp, gấp quần áo, nhắc bài vở. Mệt hết cả người!”. Mình hỏi thẳng: “Bạn làm vậy bao năm, con có tự lập hơn không?”. Cô ấy ngớ người: “Ừm… giờ nó ỷ lại hẳn”.
Vấn đề nằm ở đây! Bạn tưởng giúp con, nhưng thực chất là đang cướp đi cơ hội trưởng thành của chúng. Những đứa trẻ đại học không biết giặt tất, đói cả ngày vì không gọi được đồ ăn, hay nhờ mẹ gọi điện hộ… sẽ sống sao khi ra đời?
Hãy bắt đầu từ nhỏ:
3 tuổi: Tự mặc quần áo (dù chậm).
5 tuổi: Thu dọn đồ chơi (dù bừa bộn).
7 tuổi: Phụ nhặt rau, rửa bát (dù chỉ làm được ít).
Cha mẹ hãy nhớ, con bạn hôm nay đi giày trái chân, ngày mai sẽ tự bước đi trên đôi chân mình. Buông tay sớm, con trưởng thành sớm.
3. Bạn gánh trách nhiệm thay con sẽ đánh cắp cơ hội trưởng thành
Có một số trẻ kiểu: “Quên vở, mẹ mang đến lớp giùm”; “Làm hỏng đồ bạn, bố xin lỗi hộ”; “Không làm bài, đổ lỗi do mệt?”
Một cô giáo kể: Có bé lớp 4 không chịu ghi chép lỗi sai, còn bảo: “Bố mẹ tôi sẽ làm giúp”. Đây chính là hậu quả của việc bao bọc quá mức: Trẻ nghĩ mình chỉ cần “vui vẻ”, mọi thứ khác đã có người khác lo.
Dần dà, chúng hình thành tâm lý nạn nhân: “Tôi kém vì không ai dạy”; “Tôi thất bại vì không có cơ hội”…
Hãy để con tự chịu trách nhiệm như giao việc nhà phù hợp, đền bù bằng tiền tiêu vặt nếu làm hỏng đồ, tự đối mặt khi bị cô giáo phê bình. Dùng tình yêu có giới hạn để con trở thành người tự chủ, dũng cảm đón nhận mọi thử thách. Bạn đồng ý chứ?