Tọa lạc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP. HCM khoảng 40km về phía Đông, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành có tổng diện tích lên đến 5.000ha. Dự án với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,3 tỷ USD). Khi hoàn thiện toàn bộ vào năm 2050, sân bay sẽ có công suất phục vụ khoảng 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sánh ngang với các sân bay lớn trong khu vực như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan) hay KLIA (Malaysia).
Sân bay Long Thành sau khi hoàn thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 khởi công từ đầu năm 2021 và dự kiến khai thác vào năm 2026, giai đoạn này Cảng HKQT Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cảng HKQT Long Thành không chỉ nổi bật về quy mô mà còn ở thiết kế hiện đại và tích hợp công nghệ tiên tiến. Nhà ga hành khách trung tâm mang biểu tượng bông sen với diện tích gần 373.000m2. Nhà ga sẽ tích hợp các giải pháp công nghệ như tự động hóa thủ tục check-in, quản lý hành lý thông minh và hệ thống an ninh tiên tiến. Đặc biệt, hệ thống đường băng dài 4.000m đạt tiêu chuẩn quốc tế đã hoàn thành và sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm. Hệ thống chiếu sáng đường băng đã được kích hoạt và vượt qua các thử nghiệm vận hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện sân bay.
Không chỉ đóng vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế, Cảng HKQT Long Thành còn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường bất động sản và phát triển kinh tế khu vực. Với hệ thống kết nối hạ tầng đồng bộ, bao gồm cao tốc Long Thành – Dầu Giây, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam và các tuyến vành đai TP. HCM, giá trị đất đai tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các khu vực lân cận đang trên đà tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia nhận định, khi Cảng HKQT Long Thành đi vào vận hành, khu vực Long Thành có thể trở thành “thủ phủ logistics và đô thị vệ tinh mới” phía Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng không khu vực.
Các đơn vị thi công đang gấp rút triển khai các hạng mục nhằm nhanh chóng đưa dự án về đích vào cuối năm 2025. Ảnh minh họa
Với tiến độ thi công được đẩy nhanh và sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Cảng HKQT Long Thành đang trên đà hoàn thiện để trở thành một trong những sân bay hiện đại và quy mô nhất Đông Nam Á. Dự án không chỉ mở rộng bầu trời Việt Nam mà còn hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng phát triển mới trong lĩnh vực bất động sản và logistics khu vực trong tương lai gần.