Trang chủ Kiến thức Sáp nhập cơ quan có phải ký lại hợp đồng mới với người lao động hay không?

Sáp nhập cơ quan có phải ký lại hợp đồng mới với người lao động hay không?

bởi Admin
0 Lượt xem

Một độc giả đặt câu hỏi: Cơ quan tôi đang làm việc vừa sáp nhập với một đơn vị khác và đổi tên. Vậy xin hỏi trong trường hợp này thì hợp đồng lao động của người lao động có cần phải ký lại hay vẫn giữ nguyên hiệu lực?

Trả lời:

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, căn cứ theo Điều 43 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sáp nhập, thì không có quy định về việc người sử dụng lao động phải ký kết lại hợp đồng mới với người lao động cụ thể như sau:

1. Trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của bộ luật này.

sáp nhập, hợp đồng lao động, kiến thức

Khi cơ quan hoặc doanh nghiệp tiến hành sáp nhập, việc ký lại hợp đồng lao động mới với người lao động là không bắt buộc (Ảnh minh họa).

2. Người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án sử dụng lao động đã được thông qua.

3. Người lao động bị thôi việc được nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điều 47 của bộ luật này.

Đồng thời theo khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng như sau: “Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.

sáp nhập, hợp đồng lao động, kiến thức

(Ảnh minh họa)

Cũng theo luật sư Huy, ngoài ra Điều 34 Bộ luật Lao động quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, thì việc sáp nhập cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.

Như vậy, theo luật sư, hợp đồng lao động hiện tại vẫn tiếp tục có hiệu lực và các bên không nhất thiết phải ký lại hợp đồng lao động mới.

Trường hợp nếu có thay đổi, hai bên có thể thỏa thuận bằng việc ký lại hợp đồng lao động hoặc ký kết phụ lục hợp đồng cho phù hợp với nội dung công việc, tính chất công việc, chế độ quyền lợi của người lao động sau khi nơi làm việc sáp nhập.

Bài viết liên quan