Trang chủ Kiến thức ‘Thành phố dưới lòng đất’ duy nhất Việt Nam sẽ được trình UNESCO công nhận Di sản thế giới vào năm 2027

‘Thành phố dưới lòng đất’ duy nhất Việt Nam sẽ được trình UNESCO công nhận Di sản thế giới vào năm 2027

bởi Admin
0 Lượt xem

Nằm tại Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi được mệnh danh là “kỳ quan” có một không hai, một “Thành phố dưới lòng đất” được xây dựng từ năm 1946. Ban đầu, đây chỉ là những hầm trú ẩn bí mật riêng lẻ, nhưng do sự khốc liệt của chiến tranh, người dân đã liên kết chúng lại với nhau, tạo thành một hệ thống địa đạo phức tạp. Từ năm 1961 đến 1965, hệ thống này được củng cố và mở rộng thành một mạng lưới kiên cố, liên hoàn, trải dài trên khắp 6 xã của huyện Củ Chi với tổng chiều dài khoảng 250km nằm sâu dưới lòng đất.

Địa đạo Củ Chi, Thành phố dưới lòng đất, UNESCO, Di sản Thế giới vào năm 2027

Địa đạo Củ Chi được mệnh danh là “kỳ quan” có một không hai, “Thành phố dưới lòng đất”

Địa đạo Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn, mà còn là một “thành phố” thực sự, với đầy đủ các công trình thiết yếu phục vụ cuộc sống và chiến đấu. Toàn bộ hệ thống bao gồm bệnh xá, phòng ở, phòng làm việc, nhà bếp… đều được xây dựng dưới lòng đất, tạo thành một không gian sinh hoạt và làm việc an toàn, bí mật. Trong những năm kháng chiến, đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Địa đạo Củ Chi đóng vai trò là nơi tập kết vũ khí, lương thực và lực lượng quan trọng của đoàn quân Tây Bắc, góp phần to lớn vào chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Địa đạo Củ Chi trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Một số khu vực được bảo tồn và khai thác nhằm phục vụ du khách, không chỉ mang đến trải nghiệm khám phá độc đáo, mà còn là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm.

Địa đạo Củ Chi, Thành phố dưới lòng đất, UNESCO, Di sản Thế giới vào năm 2027

Để tăng cường sức hấp dẫn, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã triển khai nhiều hoạt động du lịch độc đáo. Điển hình là tour du lịch đêm “Trăng chiến khu”, tái hiện cuộc sống và sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi trong vùng giải phóng dưới ánh trăng. Du khách có thể chứng kiến cảnh người dân đào địa đạo, đan lát, xay lúa, giã gạo, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, tất cả hòa quyện với tiếng bom, tiếng pháo, tạo nên một bức tranh chân thực về cuộc sống trong chiến tranh. Tour du lịch này giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về tinh thần lạc quan, kiên cường và khí thế hào hùng của người dân Củ Chi trong những năm tháng kháng chiến.

Bên cạnh đó, Địa đạo Củ Chi còn là điểm đến giáo dục lý tưởng cho học sinh, sinh viên. Các em được tham quan, tìm hiểu về lịch sử, về những chiến công hiển hách của quân và dân ta, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Địa đạo Củ Chi, Thành phố dưới lòng đất, UNESCO, Di sản Thế giới vào năm 2027

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và quân sự to lớn, Địa đạo Củ Chi đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Năm 2020, TP.HCM đã bắt đầu triển khai các thủ tục để đệ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới. Dự kiến, nếu hồ sơ được thông qua, đến năm 2027, UBND TP.HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị UNESCO xem xét.

Không chỉ được đánh giá cao trong nước, Địa đạo Củ Chi còn được bạn bè quốc tế biết đến. Năm 2023, CNN đã bình chọn Địa đạo Củ Chi là một trong “Những đường hầm kỳ thú nhất thế giới”, khẳng định sức hấp dẫn và giá trị độc đáo của di tích lịch sử này.

Bài viết liên quan