Thế nhưng, việc lý giải con người đâu có đơn giản như vậy. Giống như việc trong Tây Du Ký, Bát Giới thường xuyên than mệt vì gánh hành lý cho Đường Tăng. Điều này khiến người ta đặt câu hỏi: chẳng phải vũ khí của Bát Giới – cây thiết bảng chín răng nặng tới hơn 5.000 cân hay sao? Lẽ nào hành lý của Đường Tăng còn có gì nặng hơn cả vũ khí ấy?
Lật lại nguyên tác mới tìm thấy lời giải. Và câu trả lời đó vừa thực tế, vừa đau lòng.
(Ảnh minh họa)
Gánh nặng trên vai Bát Giới
Nhiều người bị phim ảnh đánh lừa rằng gánh hành lý là việc của Sa Tăng. Nhưng nguyên tác cho thấy, người đảm nhận công việc này chính là Trư Bát Giới.
Còn nhớ trong hồi “Tứ Thánh thử thiền tâm”, vì sợ Tôn Ngộ Không, Bát Giới miễn cưỡng bảo vệ Đường Tăng. Nhưng do không đạt “thiền tâm”, Bát Giới bị bốn vị thánh trách phạt. Đường Tăng là người hiền lành, không đành lòng nhìn đồ đệ bị trừng trị, nên đã lên tiếng xin giúp: “Tên ngốc tuy ngu dại, nhưng sức lực thì có, vẫn có thể gánh hành lý, mong Bồ Tát niệm tình mà tha cho nó đi cùng chúng tôi”.
Bát Giới nghe vậy liền vội vàng sám hối, hứa sẽ nghe lời sư phụ, từ nay về sau chăm chỉ tu hành. Câu nói “dù mệt gãy xương cũng xin gánh hành lý theo sư phụ đi Tây Thiên” đã đánh dấu bước chuyển trong hành trình của hắn.
(Ảnh minh họa)
Thực tế, trong suốt hành trình, Bát Giới vừa gánh hành lý, vừa phối hợp cùng Ngộ Không đối phó yêu quái. Có thể võ nghệ Bát Giới không bằng đại sư huynh, nhưng cũng không thể phủ nhận hắn đã góp nhiều công sức.
Điển hình là ở Hỏa Diệm Sơn, Bát Giới giả làm Ngưu Ma Vương để giúp Tôn Ngộ Không mượn quạt Ba Tiêu. Hay mỗi lần cần xuống nước, Bát Giới với sở trường thủy chiến đều xung phong đi trước.
Thoạt nhìn, Bát Giới là một đồ đệ trung thành, chăm chỉ. Nhưng điều khiến người ta thắc mắc là, dù đảm nhận nhiều việc, hắn lại hay than thở, nhất là việc gánh hành lý. Vậy rốt cuộc, hành lý của Đường Tăng có gì mà khiến hắn mệt mỏi đến vậy?
Bí mật bên trong hành lý của Đường Tăng
Khi Đường Tăng bắt đầu hành trình thỉnh kinh, hành lý khá nhiều vì có hai người phàm theo cùng. Tuy nhiên, họ sớm bị yêu quái Hổ tinh ăn thịt, nên công việc gánh vác được chuyển giao cho Bát Giới.
Trong nguyên tác, khi nhìn thấy hành lý, Bát Giới miêu tả: “Bốn mảnh đệm mây vàng, tám sợi dây dài ngắn khác nhau. Lại cần tránh mưa, nên phải bọc vài lớp chiên. Đòn gánh trơn trượt thì phải đóng đinh hai đầu. Còn có cây trượng chín vòng bọc đồng, áo choàng quấn mây tre”.
Nội dung này cho thấy hành lý không nhiều, chủ yếu là vật dụng che mưa, dây thừng, trượng và áo choàng. Tuy nhiên, chưa tính đến quần áo của bốn thầy trò.
Trước khi khởi hành, Đường Tăng được Đường Thái Tông ban thưởng áo cà sa gấm, áo cà sa dệt chỉ ngũ sắc, mũ tỷ lô. Ngoài ra, ông còn mang theo hai bộ tăng phục thường ngày, đồ mùa đông và mùa hè – tổng cộng ít nhất năm, sáu bộ quần áo.
Còn các đồ đệ cũng có trang phục riêng: Tôn Ngộ Không có ba áo vải, Sa Tăng có áo vàng nhạt, Bát Giới có áo xanh lụa thẳng thân. Trong các quốc gia như Tỳ Khưu, Ngọc Hoa Châu… họ còn được tặng thêm vài bộ mỗi người.
Bên cạnh đó, các vật phẩm tăng nhân như bút mực, giấy, mộc ngư, nhang… và nhiều kinh thư cũng được mang theo.
(Ảnh minh họa)
Ở hồi “Song Xoa Lĩnh”, Đường Tăng suýt bị hổ ăn thịt, được Lưu Bá Kỳ cứu. Sau đó ông tụng kinh, đánh mộc ngư, đốt hương cho thấy những vật dụng này luôn được mang theo.
Ngoài ra, còn có nhu yếu phẩm sinh hoạt: chăn chiếu, lương thực. Khi rời Nữ Nhi Quốc, quốc vương ban cho đoàn nhiều lương thực, khiến Bát Giới vui mừng. Ngộ Không liền châm chọc: “Hành lý đã nặng rồi, giờ còn có sức mang thêm gạo sao?”.
Tổng kết, hành lý gồm áo quần, kinh sách, đồ lễ, nhu yếu phẩm – tuy nhiều nhưng ước chừng không vượt quá 300 cân. So với cây thiết bảng nặng hàng ngàn cân, thì số hành lý này chẳng đáng là bao. Thế tại sao Bát Giới vẫn luôn than mệt?
Lời giải thật đau lòng
“Tây Du Ký” trải qua 81 kiếp nạn, nhưng phần lớn thời gian là… đi bộ. Trên đường đi, Ngộ Không hai tay không, vũ khí thì rút từ tai ra. Sa Tăng chỉ việc dắt ngựa. So ra, chỉ có Bát Giới là vất vả nhất: gánh hành lý, đánh yêu quái, lại thường xuyên bị Tôn Ngộ Không mắng nhiếc, sai khiến. Dù vậy, Bát Giới chưa từng phản kháng lớn tiếng, chỉ than mệt rồi lại tiếp tục chịu đựng.
(Ảnh minh họa)
Xét kỹ, Bát Giới tuy nhiều khuyết điểm, nhưng cũng là người chịu khó, chịu thiệt. Trong nhóm bốn người, hắn là người bị kẹt giữa: đánh không lại Tôn Ngộ Không, bắt nạt cũng chẳng dám vì Sa Tăng quá hiền lành. Hắn là người “lép vế” nhất. Nhưng chính vì thế, Bát Giới mới là hình tượng chân thực nhất về con người.
Trong cuộc sống, người tài giỏi như Ngộ Không không nhiều. Người vô cầu vô lo như Sa Tăng cũng hiếm. Chỉ có người như Bát Giới – biết mệt, biết than, nhưng vẫn gánh vác trách nhiệm là phổ biến.
Vì cơm áo, Bát Giới sẵn sàng gánh nặng. Vì tình yêu, hắn từng bỏ cả thiên cung. Vì sự nghiệp, hắn nghe theo lời thầy, chịu đựng đàn anh. Khi bị đối xử bất công, hắn chỉ than mệt rồi lại âm thầm bước tiếp.
(Ảnh minh họa)
Có lẽ vì thế mà đạo diễn Dương Khiết trong bản phim truyền hình đã cho Sa Tăng gánh hành lý thay vì Bát Giới để giảm bớt sự khổ cực cho nhân vật này. Nhưng điều đó lại khiến khán giả hiểu nhầm Bát Giới là kẻ lười biếng, vô dụng.
Suy cho cùng, “Tây Du Ký” là tấm gương phản chiếu nhân sinh. Khi đọc lại nguyên tác, ta sẽ thấy cảm thông với Bát Giới: một con người bình thường, với những lo toan, oán than, nhưng vẫn kiên cường bước tiếp.