Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng bị đáp trả gay gắt, một cuộc điện thoại hỏi thăm bị trả lời cộc lốc: “Con đang bận, có thời gian thì về”, một lần giúp dọn dẹp nhà cửa lại bị cho là phiền phức. Những tình huống như vậy khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tổn thương sâu sắc.
Vậy khi về già, bị con cái chê trách vì nói nhiều, phải làm sao? Chỉ cần làm tốt 4 điều dưới đây, bạn hoàn toàn có thể lấy lại phẩm giá và sống một tuổi già an yên, độc lập.
1. Nhận rõ thực tế, buông bỏ kỳ vọng, để lòng bớt tổn thương
Bạn đã già, còn con cái đã trưởng thành. Chúng không còn là những đứa trẻ bám lấy cha mẹ mỗi ngày nữa. Bạn không còn là trung tâm trong cuộc sống của chúng. Giờ đây, họ có sự nghiệp, gia đình, con cái, áp lực tài chính đè nặng… Không phải họ bất hiếu, mà là bạn không còn là ưu tiên hàng đầu của họ nữa.
Trẻ thơ từng coi bạn là cả thế giới, nhưng khi lớn lên, thế giới của chúng đã có thêm vợ/chồng, con cái, trách nhiệm. Bạn cần chấp nhận một sự thật: con cái chỉ đồng hành cùng ta một giai đoạn. Cả cuộc đời, chỉ có cha mẹ là luôn dõi theo con, còn con chỉ đi cùng cha mẹ một đoạn đường mà thôi.
Muốn không bị con cái coi thường khi về già, bạn cần tự đứng vững (Ảnh minh họa)
2. Giữ khoảng cách hợp lý với con cái
Khi con đã lập gia đình, hãy hạn chế sống chung hoặc can thiệp quá sâu vào cuộc sống của chúng. Sống chung dễ nảy sinh mâu thuẫn, lời qua tiếng lại khiến bạn tổn thương. Thay vào đó, nên chọn sống riêng, giữ khoảng cách vừa đủ.
Bạn đã vất vả cả đời, đến tuổi xế chiều, đừng sống gượng ép hay luồn cúi. Hãy học cách giữ im lặng đúng lúc, không tranh cãi, không đòi hỏi, không phụ thuộc, chuyển hướng sự quan tâm sang chính mình và bạn đời. Chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể chất, tìm thú vui như đọc sách, đi dạo, chơi cờ, trồng cây, du lịch… tất cả đều giúp bạn sống vui, sống khỏe mà không cần phụ thuộc vào con cái.
3. Khi không cần thiết thì lặng lẽ, lúc cần thiết mới xuất hiện
Khi con cái không tìm đến bạn, hãy học cách “ẩn mình”. Hãy để chúng thấy rằng, nếu không có bạn, cuộc sống của chúng vẫn bình thường, nhưng khi cần, bạn vẫn luôn ở đó. Chính sự “vắng mặt” đúng lúc ấy lại khiến con cái trân trọng bạn hơn.
Sự gần gũi quá mức đôi khi gây cảm giác ngột ngạt. Còn nếu biết giữ khoảng cách, mối quan hệ sẽ trở nên thoải mái và dễ chịu hơn nhiều.
Một người mẹ từng chia sẻ: “Tôi hay nhắc con gái đừng ăn cay, đừng gọi đồ ăn ngoài, nên dọn nhà cửa… Thế mà nó lại nói tôi phiền. Từ đó tôi im lặng. Vài hôm sau, chính nó lại gọi điện nhắc tôi giữ sức khỏe, hỏi han thời tiết, dặn tôi mặc ấm…”.
Người mẹ ấy đã học được rằng, khi không làm phiền, con cái sẽ chủ động quan tâm trở lại.
4. Phẩm giá lớn nhất của tuổi già là sự độc lập
Về già, đừng trông chờ con cái chăm sóc. Không phải vì chúng không hiếu thảo, mà vì cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt: áp lực tài chính, công việc bấp bênh, nuôi dạy con cái… khiến chúng mệt mỏi, kiệt sức.
Người già cần độc lập về kinh tế, tinh thần và sức khỏe. Biết sử dụng điện thoại, công nghệ, tự chăm sóc bản thân, không gây phiền hà, đó là điều khiến con cái nể phục. Nếu có thể giúp đỡ con lúc khó khăn, hỗ trợ khi cần thiết, bạn càng được con cái trân trọng, yêu thương.
Ngược lại, nếu bạn hay than vãn, hay gọi điện, dễ xúc động… con cái sẽ cảm thấy bị trói buộc và dần xa cách. Đây không phải là sự vô tâm, mà là bản năng con người khi đối diện áp lực.
Tóm lại, muốn không bị con cái coi thường khi về già, bạn cần tự đứng vững. Hãy để chúng thấy rằng bạn có thể sống tốt mà không cần dựa vào ai. Chính sự độc lập, tự tin và sống vui vẻ mới là cách tốt nhất để khẳng định giá trị bản thân và giữ lại phẩm giá trong những năm tháng cuối đời.