Việc chăm cháu là tình thân, là trách nhiệm, là niềm vui, nhưng nếu không giữ được giới hạn, cũng rất dễ trở thành gánh nặng. Không ít ông bà rơi vào tình trạng kiệt sức, áp lực, thậm chí mâu thuẫn với con cái vì quan điểm nuôi dạy khác biệt. Vậy nên, khi giúp con cái chăm cháu, người lớn tuổi cần ghi nhớ 3 giới hạn dưới đây để giữ gìn sức khỏe, sự tôn trọng và sự hòa thuận trong gia đình.
Việc chăm cháu sẽ rất vui, nhưng nếu không giữ được giới hạn, cũng rất dễ trở thành gánh nặng (Ảnh minh họa)
Không làm thay mọi việc của cháu
Nhiều ông bà vì thương cháu mà sẵn sàng làm hết mọi việc, từ mặc quần áo, đi tất cho đến dọn đồ chơi, làm hộ bài tập. Họ lo cháu làm chậm, làm sai, lo cháu mệt nên thường xuyên can thiệp. Tuy nhiên, những hành động tưởng chừng là yêu thương ấy lại vô tình tước đi cơ hội học hỏi và rèn luyện kỹ năng sống của trẻ. Một đứa trẻ được giúp đỡ quá nhiều sẽ dần trở nên lệ thuộc, thiếu chủ động và không có khả năng tự xoay sở. Để trẻ lớn lên khỏe mạnh, điều quan trọng không phải là được chăm lo từ A đến Z, mà là được tạo điều kiện để tự làm, tự sai, rồi tự sửa. Đó mới là nền tảng để hình thành sự tự tin và bản lĩnh.
Không truyền đạt những quan niệm lạc hậu
Trong quá trình sống chung với cháu, những lời nói tưởng chừng vô tình như “con trai không cần làm việc nhà”, “con gái phải biết nhẫn nhịn để sau này dễ lấy chồng” lại ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của trẻ. Trẻ em vốn rất dễ tiếp thu, và những tư tưởng cổ hủ nếu lặp đi lặp lại sẽ dần trở thành sự thật trong đầu trẻ. Điều này khiến trẻ hình thành những định kiến giới tính sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến cách ứng xử sau này. Thay vì phân biệt vai trò giữa con trai và con gái, ông bà nên khuyến khích sự chia sẻ, tôn trọng và bình đẳng. Một lời nhắc “ai làm bừa thì người đó phải dọn” hay một câu nói “con trai cũng cần biết giúp đỡ” chính là cách giáo dục hiệu quả và tự nhiên nhất.
(Ảnh minh họa)
Không nói xấu cha mẹ trẻ trước mặt cháu
Trong quá trình chung sống, ông bà có thể thấy con cái mình có lúc thiếu kiên nhẫn, ít thời gian dành cho con… Nhưng nếu những lời phàn nàn như “bố con suốt ngày chơi điện thoại” hay “mẹ con lúc nào cũng gắt gỏng” được thốt ra trước mặt cháu, hậu quả sẽ khó lường. Trẻ nhỏ chưa đủ khả năng phân biệt đúng sai, nhưng lại rất nhạy cảm với cảm xúc. Một khi trẻ cảm thấy cha mẹ bị chê bai, hình ảnh của họ trong mắt trẻ sẽ bị sứt mẻ, từ đó tạo ra tâm lý phân chia tình cảm, mất lòng tin và thậm chí gây rạn nứt quan hệ gia đình. Ông bà nên chọn thời điểm thích hợp để góp ý riêng, thay vì để trẻ chứng kiến những bất hòa. Một gia đình chỉ có thể bền vững khi trong đó có sự tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng về điều tốt đẹp.
Xem thêm