Thay vì những lý thuyết phức tạp hay công thức thành công thần kỳ, Shark Bình nhấn mạnh rằng, để tích lũy tư bản cho việc đầu tư và phát triển lâu dài, người trẻ cần nghiêm túc thực hiện ba điều then chốt: giỏi nghề, chi tiêu thông minh và có thói quen tiết kiệm, đầu tư từ sớm.
1. Giỏi nghề là vốn liếng đầu tiên
Shark Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Bạn càng giỏi nghề, càng làm sâu nghề, càng tốt”. Ông xem đây là nền tảng thiết yếu cho bất kỳ ai muốn làm giàu. Trong giai đoạn tuổi 20-30, khi nhiều người trẻ còn loay hoay với việc thay đổi định hướng nghề nghiệp, Shark Bình nhắc nhở: “Giỏi một nghề là cách nhanh nhất để có nguồn thu nhập ổn định, tạo bệ phóng cho những kế hoạch tài chính lâu dài”.
Shark Nguyễn Hoà Bình
Tư duy “tay không bắt giặc” hay kỳ vọng đầu tư siêu lợi nhuận khi chưa có nguồn thu bền vững có thể đẩy người trẻ vào vòng xoáy nợ nần hoặc đầu tư theo phong trào. Giỏi nghề đồng nghĩa với việc tăng giá trị bản thân trên thị trường lao động, từ đó có thể thương lượng mức thu nhập cao hơn và tăng khả năng tích lũy. Nhiều doanh nhân thành đạt đã bắt đầu sự nghiệp từ con số 0, nhưng chính nhờ sự giỏi giang trong nghề nghiệp, họ đã từng bước xây dựng nền tảng tài chính vững vàng trước khi nghĩ đến đầu tư mạo hiểm hay khởi nghiệp.
2. Quản lý chi tiêu là kiểm soát cuộc đời
Nguyên tắc thứ hai mà Shark Bình đưa ra là có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, căn cơ, phù hợp với mức thu nhập. Trong bối cảnh tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, việc bị cuốn theo xu hướng mua sắm hoặc so sánh với người khác dễ khiến nhiều người trẻ chi tiêu vượt quá khả năng.
Shark Bình làm rõ: “Quản lý tài chính cá nhân không phải là ‘thắt lưng buộc bụng’, mà là biết đặt ưu tiên cho các khoản chi”. Tiêu pha không kiểm soát là con đường nhanh nhất dẫn đến cạn kiệt tài chính, ngay cả đối với những người có thu nhập cao. Ngược lại, một người có thu nhập trung bình nhưng biết chi tiêu có kỷ luật vẫn có thể tích lũy ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống sau vài năm.
Ông cũng chỉ ra sự khác biệt trong nhận thức về tài chính: “Ở nhiều nước phát triển, việc lập kế hoạch tài chính cá nhân là kỹ năng được dạy từ sớm, còn tại Việt Nam, điều này thường bị xem nhẹ”. Lời khuyên của Shark Bình là lời cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ: “Kiếm tiền quan trọng, nhưng giữ tiền và tiêu tiền thông minh mới là yếu tố quyết định sự bền vững”.
3. Tập tiết kiệm và đầu tư từ những đồng tiền đầu tiên
Shark Bình nhấn mạnh tiết kiệm và đầu tư luôn là chìa khóa để chuyển từ người ‘làm công ăn lương’ sang người làm chủ tương lai tài chính. Ông khuyên người trẻ hãy hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư ngay từ khi bạn kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Đừng chờ đợi đến khi có nhiều tiền, mà hãy bắt đầu ngay, dù chỉ là 5-10% thu nhập hàng tháng.
Nguyên tắc “tích tiểu thành đại là một nguyên tắc tài chính cổ điển nhưng luôn đúng”. Tiết kiệm giúp tạo quỹ dự phòng, còn đầu tư giúp tiền “làm việc” cho mình. Quan trọng hơn cả, việc này hình thành tư duy dài hạn – điều mà nhiều người trẻ còn thiếu khi quá tập trung vào lợi ích trước mắt.
Với làn sóng đầu tư chứng khoán, bất động sản, tiền số đang thu hút giới trẻ, Shark Bình cảnh báo: “Bạn đừng đầu tư khi chưa đủ hiểu biết và chưa có nền tảng tài chính ổn định”. Ông lý giải: “Tiền non’ dễ bị cuốn vào những làn sóng đầu cơ, rơi vào trạng thái ‘mua đỉnh, bán đáy’, mất cả vốn lẫn tinh thần”.
Những lời khuyên của Shark Nguyễn Hoà Bình tuy không hào nhoáng nhưng rất chân thành, là những nguyên tắc sống còn mà bất kỳ người trẻ nào muốn bứt phá về tài chính cũng nên khắc ghi. Hành trình tích lũy tư bản không có phép màu hay con đường tắt, mà là sự cộng hưởng của chuyên môn vững, kỷ luật tài chính và tư duy đầu tư đúng đắn.
Quan trọng hơn, đây không chỉ là bài học về tiền bạc, mà còn là bài học về trưởng thành. Người biết tiết chế ham muốn, định hướng rõ ràng và đầu tư cho năng lực bản thân chính là người đang đầu tư bền vững nhất cho tương lai. Bởi vì trước khi nghĩ đến chuyện “làm giàu”, hãy học cách “làm chủ” cả trong nghề nghiệp, tài chính và cuộc sống